Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh :"Tất cả các bên tham gia JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung), các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) cùng các nhà luật học quốc tế đều có chung quan điểm rằng Mỹ không còn là một bên của JCPOA và động thái của Washington là không có cơ sở theo Nghị quyết 2231 của HĐBA và JCPOA".
Theo ông Zarif, hành động trên của Mỹ sẽ "gây ra những hậu quả nguy hiểm" đối với luật pháp quốc tế cũng như tổn hại cho các cơ chế quốc tế và làm mất uy tín của HĐBA LHQ. Iran hy vọng Tổng Thư ký LHQ Guterres và các quốc gia thành viên HĐBA chống lại hành động "bất hợp pháp" này của Mỹ.
Trong khi đó, trong tuyên bố chung đưa ra ngày 20/8, Pháp, Đức và Anh nói rằng sẽ không ủng hộ yêu cầu của Mỹ đề nghị LHQ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran với cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận JCPOA ký năm 2015. Ba nước trên cho rằng Mỹ không có quyền hợp pháp để kích hoạt cái gọi là “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt trừng phạt Iran vì Washington đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018. Động thái này của các nước đồng minh châu Âu của Mỹ đã vấp phải những chỉ trích của Washington và gây căng thẳng cho quan hệ hai bên.
Trước đó, ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới trụ sở LHQ để chính thức kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, một bước đi được cho là có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân do Iran và Nhóm P5+1 ký kết năm 2015.
Quy trình đảo ngược này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 có quyền đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu như Tehran không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận. Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không. Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.
Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên sau khi không được HĐBA thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp ngày 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Nguyên nhân mà Mỹ đưa ra để quyết định khởi động “quy trình đảo ngược" là Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận JCPOA. Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này.