Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi. Ảnh: Financial Tribune/TTXVN |
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Qassemi tuyên bố khả năng đối thoại với Mỹ khó xảy ra dù trong bất cứ lĩnh vực nào nếu Washington chưa thể hiện sự tôn trọng với nhà nước Iran cũng như từ bỏ lời lẽ đe dọa và cấm vận.
Người phát ngôn này cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nên ngừng những đe dọa nhằm vào người dân và các quốc gia khác trước khi bày tỏ hy vọng về khả năng đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.
Tuyên bố trên được đưa ra khi ngày 7/6, ông Trump bày tỏ hy vọng vào thời điểm nào đó Iran có thể tiến hành đàm phán với Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận.
Hồi tháng 5, Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết giữa Tehran và Nhóm 5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), đẩy bản thỏa thuận vốn là kết quả của hàng chục năm đàm phán giữa các bên liên quan vào nguy cơ sụp đổ. Quyết định này của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các bên tham gia ký kết JCPOA. Các nước châu Âu xem JCPOA có vai trò quan trọng để ngăn chặn Iran chế tạo được vũ khí hạt nhân.
Liên quan JCPOA, ngày 8/6, Phó Tổng thống Iran Massoumeh Ebtekar tuyên bố Tehran sẽ “không thể mãi chờ đợi” việc xác nhận thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Theo bà Ebtekar, Iran mong muốn các cường quốc châu Âu, Nga và Trung Quốc xác nhận thỏa thuận này “càng sớm càng tốt vì Iran không thể chờ đợi mãi được" và đó là quyền lợi quốc gia của Tehran.
Ngoài ra, Phó Tổng thống Ebtekar cũng cho rằng JCPOA là một thỏa thuận quan trọng cần được duy trì lâu dài vì “nó không chỉ là một thỏa thuận hạt nhân mà còn là một thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân", có ý nghĩa rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh “đối với không chỉ khu vực Trung Đông mà còn cả toàn cầu”.
Phó Tổng thống Iran cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện lập trường kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây cản trở các tiến trình hòa bình và an ninh, đồng thời có thể làm phương hại tới sự tin cậy chính trị giữa các nước.
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Tehran tuyên bố sẽ chỉ duy trì thỏa thuận nếu các nước tham gia ký kết còn lại bảo đảm Iran tránh được các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Iran.
Iran sẽ kiện Boeing
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/6, nghị sỹ Quốc hội Iran, ông Taqi Kabiri cho biết Iran sẽ kiện tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ ra các tòa án quốc tế do việc hủy thỏa thuận bán 80 máy bay cho Tehran. Hãng Press TV trích dẫn lời nghị sỹ Kabiri, cho biết Iran sẽ nghiêm túc theo đuổi vụ kiện tập đoàn Boeing ra các tòa án pháp lý và tư pháp quốc tế. Ông Kabiri cũng nêu rõ những hành động như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của Iran và Mỹ "không thể làm hại chúng tôi theo cách này".
Boeing và Airbus nằm trong số những tập đoàn được Bộ Tài chính Mỹ cấp phép hoạt động tại Iran sau khi EU và Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Tehran theo thỏa thuận hạt nhân 2015, theo đó các hãng này được bán máy bay chở khách cho Iran. Tháng 12/2016, Boeing thông báo thỏa thuận bán 80 máy bay với tổng giá trị 16,6 tỷ USD cho hãng hàng không Iran Air.
Tuy nhiên, ngày 6/6 vừa qua, Boeing tuyên bố sẽ không chuyển giao máy bay cho Iran nhằm tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tehran. Một phát ngôn viên của Boeing cho biết "Chúng tôi chưa cung cấp bất kỳ máy bay nào cho Iran và cho đến nay chúng tôi không còn được cấp phép bán máy bay cho Iran, theo đó hãng sẽ không chuyển giao bất kỳ máy bay nào". Bộ Tài chính Mỹ cũng xác nhận sẽ thu hồi giấy phép đã cấp cho Boeing và Airbus sau khi Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Không chỉ Boeing hay Airbus, nhiều nhà sản xuất lớn khác của Mỹ và châu Âu như tập đoàn chế tạo ôtô PSA của Pháp và tập đoàn đa quốc gia của Mỹ General Electric cũng đã rút hoạt động khỏi Iran do lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.