Từ tháng 4/2021, châu Âu đã bắt đầu làm trung gian các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran tại Vienna (Áo) giữa lúc phương Tây lo ngại Tehran đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân, được coi là không thể đảo ngược trừ khi ký được một thỏa thuận mới. Phát biểu họp báo tại Tehran, Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian nêu rõ: "Iran cũng nóng lòng đạt được một thỏa thuận tại Vienna… nhưng điều này nên nằm trong khuôn khổ lợi ích quốc gia của chúng ta".
Iran đang đàm phán trực tiếp với Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, đồng thời đàm phán gián tiếp với Mỹ tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà các bên đã ký năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không đem lại kết quả.
Những nỗ lực cứu vãn JCPOA đã được nối lại từ cuối tháng 11/2021 với mục tiêu thuyết phục Mỹ quay trở lại thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời Tehran phải tuân thủ đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận.