Iran tăng gấp 4 lần sản lượng urani làm giàu cấp độ thấp

Ngày 20/5, giới chức ngành năng lượng hạt nhân Iran tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này đã tăng gấp 4 lần sản lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: PBS

Các hãng thông tấn bán chính thức Fars và Tasnim của Iran ngày 20/5 đồng loạt đưa tin nước này đã tăng gấp 4 lần sản lượng urani làm giàu cấp độ thấp, đồng thời đã thông báo thông tin này với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo hai nguồn tin trên, sản lượng urani này là lượng urani làm giàu mức giới hạn 3,67% đề ra trong Kế hoạch Hành động chung Toàn diện, thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran đạt được với Nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Tuy nhiên, việc tăng sản lượng cũng sẽ đồng nghĩa với việc Iran có thể sẽ sở hữu quá mức giới hạn được phép như qui định trong thỏa thuận hạt nhân (số lượng urani vượt ngưỡng cho phép phải đưa ra nước ngoài).

IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ, hiện chưa bình luận gì về thông tin trên.

Đông thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ đang "căng như dây đàn" này có nguy cơ đẩy quan hệ song phương vào một vòng xoáy nguy hiểm mới.

Chú thích ảnh
Đại diện các nước thành viên Nhóm P5+1 và Iran tại cuộc đàm phán hạt nhân năm 2015. Ảnh: The Duran

Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cộng với Đức) hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm duy trì quan hệ căng thẳng với phương Tây.

Theo thỏa thuận bước ngoặt này, Chính phủ Iran đã đồng ý với 3 vấn đề chính sau: Cắt giảm 2/3 số lượng máy li tâm vốn được sử dụng để làm giàu urani, nguyên liệu cần thiết để tạo ra năng lượng hạt nhân; giảm bớt 98% kho urani đã được làm giàu; và giới hạn hoạt động làm giàu urani ở mức 3,67% - mức vừa đủ để Iran có thể tiếp tục đáp ứng một số nhu cầu năng lượng của mình, nhưng dưới ngưỡng có thể chế tạo bom hạt nhân.

Ngoài ra, Iran được yêu cầu phải hạn chế nghiên cứu và phát triển urani và cho phép các thanh sát viên của IAEA được tiếp cận các cở sở hạt nhân dân sự của nước này. Đổi lại, tất cả các lệnh trừng phạt Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân sẽ được gỡ bỏ vào tháng 1/2016, giúp nền kinh tế đang đình trệ của Iran được kết nối lại với thị trường thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran, động thái được cho là báo hiệu một chu kỳ căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis dẫn đầu nhóm tàu tác chiến Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Hormuz hồi tháng 1/2009. Ảnh: Reuters

Căng thẳng đặc biệt leo thang mạnh giữa Mỹ và Iran trong thời gian gần đây sau khi Chính quyền Tổng thống Trump liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran theo sau việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục ký sắc lệnh chấm dứt qui chế miễn trừ cho 8 nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran, động thái được cho là nhằm bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ có ý nghĩa sống còn với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đồng thời điều động nhóm tàu sân bay tấn công và máy bay chiến lược tới Trung Đông, nhằm đề phòng nguy cơ xung đột giữa hai bên.

Washington cũng đã rút một số nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq sau khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào 4 tàu chở hàng tại ngoài khơi bờ biển Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hồi cuối tuần trước, trong đó có 2 tàu chở dầu của Saudi Arabia, và vụ tấn công nhằm tuyến đường ống dẫn dầu quan trọng cũng của nước này.

Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Đáp lại, Iran tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và sẽ tái khởi động các hoạt động làm giàu urani. Ngày 18/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định ông không tin rằng chiến tranh sẽ nổ ra tại khu vực Vùng Vịnh khi mà Tehran không mong muốn cuộc xung đột nào.

Phát biểu với hãng thông tấn IRNA trước khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ sẽ không có chiến tranh bởi Iran không muốn chiến tranh và cũng không có nước nào có ý định đối đầu quân sự với Tehran tại khu vực này.

Ngày 20/5, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran nhấn mạnh "những trò công kích mang tính diệt chủng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không "xóa sổ được Iran", sau khi nhà lãnh đạo Mỹ một ngày trước đó đe dọa hủy diệt nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif viết: "Người Iran đã trụ vững suốt một thiên niên kỷ trong khi những kẻ xâm lược đều bị đánh đuổi. Khủng bố về kinh tế và công kích mang tính diệt chủng sẽ không thể xóa sổ được Iran". Ông nhấn mạnh: "Đừng bao giờ đe dọa một người Iran. Hãy tôn trọng - mới có hiệu quả".

Tuy nhiên, Thiếu tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Tehran sẵn sàng chống lại các mối đe dọa chiến tranh từ Mỹ. Kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Thiếu tướng Salami nêu rõ Iran đang đối mặt với các mối đe dọa sát lãnh thổ và IRGC đã chuẩn bị nguồn lực để chống lại các mối đe dọa này.

Xem video "pháo đài bay" B-52 của Mỹ cất cánh trong sứ mệnh nhằm phát tín hiệu tới Iran. (Nguồn: RT)

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Ngoại trưởng Iran đáp trả lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ
Ngoại trưởng Iran đáp trả lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ

"Những trò công kích mang tính diệt chủng" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không "xóa sổ được Iran". Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 20/5 đã đưa ra tuyên bố trên sau khi nhà lãnh đạo Mỹ một ngày trước đó đe dọa hủy diệt Iran. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN