Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Thứ trưởng Araqchi cho biết Iran đang cân nhắc đề xuất của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell về việc tổ chức cuộc họp trên. Phía Iran cũng đang tham vấn với các đối tác, bao gồm cả Nga và Trung Quốc và sẽ có phản hồi trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Araqchi nhấn mạnh sự trở lại của Mỹ đối với thỏa thuận JCPOA không cần đến một cuộc họp và cách duy nhất để giải quyết vấn đề là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trong diễn biến mới nhất, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 20/2 đã tới Tehran trong chuyến thăm Iran nhằm tìm giải pháp tháo gỡ thế bế tắc liên quan công tác thanh tra các cơ sở hạt nhân của nước này, vốn đã được nhất trí theo thỏa thuận JCPOA.
Thứ trưởng Araqchi nhấn mạnh chuyến thăm của ông Grossi không liên quan đến quyết định của Iran. Tehran sẽ vẫn hạn chế hoạt động thanh sát của IAEA nhằm thực thi quyết định trước đó của Quốc hội nước này.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) nhằm mục đích hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục JCPOA. Ngày 18/2, ông Biden tuyên bố Washington đã sẵn sàng để hồi sinh thỏa thuận mà chính Washington đã từ bỏ gần ba năm trước. Động thái này phản ánh sự thay đổi trong phương cách tiếp cận của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Tuy nhiên, Washington và Tehran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước.
Giới chức Iran gần đây đã nhiều lần kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh nước này đang trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Iran đặt thời hạn chót là ngày 23/2 để Washington bắt đầu đảo ngược các biện pháp trừng phạt, nếu không nước này sẽ chấm dứt hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA - cơ quan giám sát hạt nhân thuộc Liên hợp quốc.