Người phát ngôn này nêu rõ: "Thông tin này không đúng sự thật, các lực lượng của chúng tôi không rời khỏi vùng đệm”.
Trước đó cùng ngày, các lực lượng an ninh của Syria cho biết quân đội Israel đã tiến sâu vào Syria, cách thủ đô Damascus khoảng 25 km về phía Tây Nam. Một nguồn tin an ninh Syria còn nói thêm rằng quân đội Israel đã tới Qatana, địa điểm nằm trong lãnh thổ Syria, cách khu phi quân sự 10km về phía Đông. Khu phi quân sự này là vùng đệm ngăn cách giữa Syria và Cao nguyên Golan.
Trước đó, các lực lượng của Israel đã chiếm giữ một vùng đệm ở phía Nam Syria và tiến hành không kích loạt mục tiêu ở Syria, bao gồm các căn cứ không quân, cứ điểm và kho vũ khí hiện đại trong đêm 9/12. Giải thích cho những bước đi này, Israel khẳng định nước này sẽ không tham gia vào tình hình hiện nay ở Syria và việc nước này chiếm giữ vùng đệm, cũng như thực hiện các cuộc oanh kích nói trên "chỉ mang tính phòng thủ, nhằm bảo vệ người dân Israel".
Những diễn biến này xảy ra sau khi lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu tuyên bố kiểm soát thủ đô Damascus ngày 8/12, dẫn đến sự chấm dứt chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong khi đó, tiếp sau Ai Cập, Iraq và Qatar, các nước khác trong khu vực gồm Iran, Jordan và Saudi Arabia đã lên tiếng phản đối việc Israel chiếm giữ vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan, cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong tuyên bố ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nhấn mạnh bước đi nói trên của Israel sẽ hủy hoại cơ hội khôi phục an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tương tự, phát biểu trước Quốc hội Jordan ngày 9/12, Ngoại trưởng nước này Ayman Safadi nhấn mạnh động thái nói trên của Israel đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho rằng hành động của Israel vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Ngày 9/12, Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak nhấn mạnh Israel phải tuân thủ các nghị quyết của HĐBA LHQ và thỏa thuận năm 1974, trong đó nêu rõ vùng đệm ở Cao nguyên Golan là khu vực phi quân sự và chỉ có lực lượng LHQ đồn trú ở đây.
Liên quan đến vấn đề hồi hương người tị nạn Syria, nhiều nước châu Âu đã đình chỉ việc xem xét tị nạn cho người Syria. Tiếp theo thông báo của các nước gồm Anh, Đức, Pháp, Italy và Áo, Thụy Sĩ cũng thông báo tạm ngừng xét đơn xin tị nạn của người Syria để đánh giá lại tình hình sau những diễn biến chóng vánh tại Syria những ngày qua.