Bộ trưởng Y tế Kenya Mutahi Kagwe trong một tuyên bố vào tối 21/11 (giờ địa phương) cho biết, nước này sẽ yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng từ ngày 21/12 tới và đang lên kế hoạch cho một chiến dịch tiêm chủng đại trà kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 26/11. Bộ trưởng Mutahi Kagwe nói rằng Kenya đã chứng kiến sự "giảm rõ rệt" về số ca bệnh nặng và số ca tử vong, với tỷ lệ khả quan trong 14 ngày qua, dao động từ 0,8-2,6%.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, quốc gia Đông Phi này đã ghi nhận tổng cộng 254.629 trường hợp mắc COVID-19 và 5.325 người chết. Ông Kagwe nhấn mạnh: "Sự sụt giảm số lượng ca nhiễm mới hiện nay có thể là do sự hình thành khả năng miễn dịch cả khi tiếp xúc tự nhiên với căn bệnh này cũng như từ việc thực hiện tiêm chủng đang diễn ra. Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng vẫn chưa đến lúc để vui mừng".
Theo các số liệu chính thức, hiện chỉ có khoảng 2,4 triệu người, tức chưa đến 9% người trưởng thành của Kenya, đã được tiêm chủng, trong khi mục tiêu của chính phủ là 30 triệu người được tiêm chủng vào cuối năm nay. Do vậy, ông Kagwe đặc biệt bày tỏ lo ngại về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức thấp ở nước này, đặc biệt là đối với người cao tuổi, đồng thời cho biết tỷ lệ này đã giảm ngay sau khi lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc được dỡ bỏ vào tháng trước. Hiện Kenya đã tiếp nhận tổng cộng 10,7 triệu liều vaccine và đang chờ cung cấp thêm 8 triệu liều.
Theo các biện pháp mới, quyền tiếp cận các dịch vụ công, bao gồm bệnh viện, cơ sở giáo dục, thuế và nhập cảnh, sẽ bị hạn chế đối với những người chưa có bằng chứng đã tiêm chủng vaccine đầy đủ. Các hạn chế tương tự sẽ được áp dụng ở những nơi công cộng như vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, khách sạn, quán bar và nhà hàng, trong khi tất cả các cuộc tụ họp trong nhà sẽ bị giới hạn ở mức 2/3 sức chứa.