"Xin lỗi, Tổng thống Trump. Greenland không phải để bán".
Chính quyền Greeland đã trả lời rõ như vậy trong một câu tweet trên trang Twitter vào ngày 16/8 sau khi có thông tin rằng Tổng thống Donald Trump xem xét khả năng Mỹ mua hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch.
Ngày 18/8, nhà lãnh đạo Mỹ đã chính thức xác nhận rằng ông có ý định muốn sở hữu đảo Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Khi được phóng viên hỏi về khả năng mua hòn đảo lớn nhất thế giới, ông Trump trả lời "đó là một thoả thuận bất động sản lớn" và việc sở hữu Greenland "sẽ rất tuyệt" với nước Mỹ xét từ góc độ chiến lược.
Ý định mua đảo Greenland của Tổng thống Mỹ được đưa tin lần đầu tiên trên tờ Wall Street Journald và nhanh chóng gây xôn xao giới truyền thông. Chính quyền Greenland sau đó đã đưa ra câu trả lời, và sự phản đối của họ không gây ngạc nhiên với nhiếp ảnh gia Kiliii Yüyan, người rất quan tâm đến sự phát triển của Greenland trong những năm gần đây.
“Họ có mối quan hệ tốt với Đan Mạch. Thật khó cho Greenland khi tưởng tượng họ muốn có mối quan hệ kiểu thực dân khác dưới bất kỳ hình thức nào", ông Yuyan nói với CNN hôm 16/8. "Ngay bây giờ, họ cũng đang cố gắng giành độc lập từ Đan Mạch".
Greenland được Đan Mạch trao quyền tự trị vào năm 1979, và quyền tự chủ của hòn đảo ngày càng lớn hơn sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2008.
Gần 90% dân số đảo là người gốc Inuit, và vùng lãnh thổ này đã tôn trọng nguồn gốc đó, định hình các chính sách từ góc độ người bản địa. Chẳng hạn, không có quyền sở hữu tài sản tư nhân ở Greenland. Bạn không thể đến đây mà bỏ tiền mua đất. Và hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng trên đảo là thuộc sở hữu nhà nước.
“Có một cảm giác thực sự mạnh mẽ rằng nền văn hóa của Greenland thích đưa ra quyết định nói chung thay vì để các cá nhân đưa ra quyết định cho mọi người khác", nhiếp ảnh gia Yüyan nói. “Điều đó giúp tránh được rất nhiều điều có thể sẽ không tốt cho Greenland về lâu dài”
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía trên Canada vươn ra Bắc Cực. Phần lớn nơi đây quanh năm được bao phủ bởi băng.
Chỉ có 20% trong 836.300 dặm vuông diện tích đảo là nơi sinh sống của con người. Dân số đảo cũng rất ít, chỉ vào khoảng trên 50.000 người. Tuy nhiên, người Greenland có mức sống thực sự cao. Ông Yüyan cho biết, mức sống ở Greenland tốt hơn rất nhiều so với những gì chúng ta gọi là các quốc gia phát triển. Và một phần lý do của điều đó là những người từng chiếm đóng đảo là người Đan Mạch.
Ảnh hưởng của Đan Mạch có thể nhìn thấy rõ trong kiến trúc Greenland và nền kinh tế của nơi này, vốn chủ yếu dựa vào đánh bắt cá. Nhiếp ảnh gia Yüyan nói rằng hầu hết người Greenland nói cả tiếng Đan Mạch và ngôn ngữ chính thức, Greenlandic. "Có một bản sắc dân tộc thực sự mạnh mẽ. Bất kể bạn mang trong mình bao nhiêu dòng máu Đan Mạch hay bao nhiêu dòng máu Inuit, tất cả đều là Greenlander (người Greenland)".
Băng và màu trắng là hình ảnh đặc trưng của xứ sở Greenland. Khối băng của Greenland là tảng băng lớn thứ hai trên thế giới và nhiều nhà khoa học coi đây là 'bình địa' của tình trạng biến đổi khí hậu Trái đất.
Một số tảng băng trôi ở Greenland đã trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Yüyan là người Mỹ gốc Hoa và Nanai, một nhóm người bản địa ở Nga. Anh sống một phần thời thơ ấu ở Siberia, gần Trung Quốc và đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để ghi lại hình ảnh về những cộng đồng bản địa trên khắp thế giới. Hai năm trước, anh đến Greenland để chụp ảnh giải vô địch chèo thuyền kayak quốc gia.
"Từ lâu, Greenland là một nơi mà tôi thực sự ngưỡng mộ, và một phần là do thực tế tôi cũng là một người đóng thuyền kayak truyền thống", Yüyan nói.
Theo thời gian, quá trình thực dân hóa có thể đã phá huỷ các cộng đồng bản địa, nhưng Greenland - và các cộng đồng bản địa khác ở Bắc cực, vẫn giữ vững được các truyền thống của mình.
Ở cực Bắc, rất may mắn vì sự xa xôi của nó., có khá nhiều nét văn hóa và truyền thống được bảo tồn. Và điều đó đặc biệt đúng ở đây tại Greenland", Yüyan cho hay.
Tổng thống Donald Trump không phải là người Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland. Trong quá khứ, mặc dù Tổng thống Harry Truman đã né tránh các câu hỏi về việc theo đuổi quyền kiểm soát hòn đảo lớn này, Mỹ được cho là tìm cách mua Greenland vào năm 1946. Từ lâu trước đó, vào năm 1867, Ngoại trưởng Mỹ William Seward cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua hòn đảo.
Greenland là nơi đặt căn cứ không quân Thule, căn cứ cực Bắc lớn nhất của quân đội Mỹ. Nó nằm ở khoảng 1.200km phía trên vòng Bắc cực và được trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa liên lục địa tấn công.