Khẩu trang là 'tầng bảo vệ bổ sung cần thiết' cho những người đã tiêm vaccine 

Trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang khiến số ca nhiễm tại Mỹ tăng trở lại, những người đã được tiêm phòng đầy đủ bắt đầu đặt câu hỏi liệu họ có cần phải đeo khẩu trang khi ở trong phòng kín hay không.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho một tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thực tế là các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện vẫn hiệu quả cao trong giảm nguy cơ phải nhập viện hay bệnh trở nặng và những ca tiêm phòng rồi vẫn nhiễm bệnh không phổ biến. Nhưng các chuyên gia cho rằng mọi người vẫn cần cân nhắc các yếu tố như sự lây nhiễm trong cộng đồng, mức độ nguy cơ của cá nhân và mức chịu rủi ro của bản thân để quyết định điều cần làm cho mình.

Từ tháng 5 vừa qua, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người đã được tiêm phòng. Khi đó, số ca nhiễm đang giảm mạnh và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố trở lại trạng thái bình thường nhờ chiến dịch tiêm phòng đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, ngày 22/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận hơn 50.000 ca, tăng mạnh chủ yếu do biến thể Delta - loại có khả năng lây lan nhanh nhất đến nay, và tập trung ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Mặc dù vậy, sự gia tăng số ca lại không tỷ lệ thuận với số ca phải nhập viện và tử vong. Với 80% người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ tử vong trung bình hằng ngày hiện là khoảng 200 ca, thấp hơn nhiều so với 3.500 ca/ngày vào lúc đỉnh dịch mùa Đông vừa qua. Hơn 97% số ca nhập viện và 99,5% số ca tử vong là những người chưa được tiêm phòng.

Giám đốc CDC, bà Rochelle Walensky khuyến cáo các cộng đồng và cá nhân luôn cần tính đến các điều kiện ở địa phương. Bà cho biết: ‘Nếu bạn sống tại khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao và tỷ lệ tiêm phòng thấp, nơi số ca nhiễm virus Delta tăng mạnh, bạn chắc chắn nên đeo khẩu trang nếu chưa được tiêm phòng. Nếu bạn đã được tiêm, bạn được vaccine bảo vệ, nhưng có thể lựa chọn thêm một tầng bảo vệ nữa là chiếc khẩu trang”.

Về phần mình, bà Celine Gounder, một nhà vật lý bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học, đã ví tình hình trước khi xuất hiện biến thể Delta như việc lái xe quanh khu mình ở, còn  tình hình hiện nay giống như lái xe trên đường đua. Bà nói: “Khi lái xe ở quanh khu mình ở, chỉ cần thắt dây an toàn, nhưng khi lái xe trên đường đua, ngoài dây an toàn, người đua cần cả mũ bảo hiểm và túi khí”. Bà nhấn mạnh rằng khẩu trang là một tầng bảo vệ bổ sung cần thiết lúc này.

Dù CDC Mỹ chưa đưa ra khuyến cáo mới, một số nơi như  Los Angeles và Philadelphia đã tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Một nghiên cứu mới đây tại một nhà tù Mỹ đã phát hiện 27 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số 2.0 người đã được tiêm, tức là chiếm 1,1%. Tất cả đều không có triệu chứng và được phát hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ. Nghiên cứu cho thấy những ca không có triệu chứng ít có khả năng lây truyền virus, trong khi những ca nhiễm có triệu chứng cần được cách ly. Nhưng các chuyên gia cảnh báo khi số ca nhiễm trong cộng đồng lớn hơn, khả năng nhiễm sau khi tiêm càng cao hơn. Ngoài ra, mức độ nguy cơ đối với từng người lại không giống nhau, tùy vào lứa tuổi và điều kiện sống. Một số người có thể có nguy cơ cao hơn trong khi những người khác ít rủi ro hơn.

Bích Liên (TTXVN)
Người ‘siêu lan truyền’ thông tin sai lệch về COVID-19 tại Mỹ
Người ‘siêu lan truyền’ thông tin sai lệch về COVID-19 tại Mỹ

Một bác sĩ nắn xương tại Florida đã được xác định là "kẻ siêu lan truyền” thông tin sai lệch về COVID-19 hàng đầu trên mạng xã hội nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN