Theo dữ liệu của Eurostat công bố ngày 30/10, tổng sản phẩm GDP tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro tăng 0,4% trong quý III, vượt kỳ vọng là 0,2% nhưng vẫn cho thấy sự mong manh khi ngành công nghiệp vẫn trong suy thoái và mức tiêu dùng hộ gia đình hầu như không tăng. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khối đạt 0,9%, duy trì mức tăng trưởng cả năm xấp xỉ 1%, thấp hơn ngưỡng mà các nhà kinh tế coi là 'tiềm năng' hay tốc độ tăng trưởng tự nhiên mà không có cú sốc hoặc kích thích.
Bất ngờ lớn nhất đến từ Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, đã tăng trưởng 0,2% nhờ mức tiêu dùng công và tư nhân cao hơn. Mặc dù vậy, nhà kinh tế học Carsten Brzeski của ING nhận định điều này không thay đổi được thực tế là nền kinh tế đầu tàu Eurozone vẫn đang mắc kẹt trong tình trạng trì trệ, với số lượng các vụ phá sản ngày càng tăng và việc tái cấu trúc việc làm sắp tới của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động. Ngoài ra, Pháp và Tây Ban Nha cũng cho thấy khả năng phục hồi bất ngờ.
Trong khi đó, nguy cơ căng thẳng thương mại với các đối tác lớn cũng khiến triển vọng kinh tế Eurozone trở nên bấp bênh. Trong các tuyên bố tranh cử, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. EU cũng đang nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Kinh liên quan đến quyết định tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 45,3%. Những thông tin không mấy tích cực đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp châu Âu.