Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, đánh giá về những tồn tại và khó khăn trong công tác đàm phán RCEP và liệu hiệp định này có được ký kết đúng kế hoạch trong năm 2020 hay không, ông Santisouk cho biết do các nước tham gia đàm phán có trình độ phát triển khác nhau nên trong quá trình đàm phán cũng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau 8 năm đàm phán, những vấn đề tồn tại đến nay còn rất ít và hoàn toàn có thể giải quyết được, do vậy cá nhân ông tin rằng hiệp định này có thể được ký kết vào cuối năm nay.
Liên quan tới việc ký kết RCEP có góp phần giúp các nước tham gia khôi phục lại kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay không, ông Santisouk cho biết việc ký RCEP là tín hiệu để các nước đối tác của hiểu rằng các nước tham gia hiệp định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, do đó, tập trung đẩy nhanh để hoàn tất và nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp định RCEP sẽ là rất quan trọng để giúp cho quá trình phục hồi kinh tế khu vực.
Về cơ hội mà Hiệp định RCEP mang lại cho Lào, ông Santisouk cho biết nếu được ký kết, RCEP sẽ là hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới, do vậy sẽ tạo cơ hội và thị trường cho Lào, giúp nước này tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của khu vực.
Đánh giá ý nghĩa của việc Hiệp định RCEP được ký kết trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, ông Santisouk cho biết sau 8 năm đàm phán, việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP là một dấu mốc lịch sử quan trọng, do năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN nên điều này càng có ý nghĩa và quan trọng hơn đối với Việt Nam.
Trước đó, sáng 23/6, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã chủ trì hội nghị Bộ trưởng trực tuyến các nước tham gia đàm phán RCEP giữa kỳ lần thứ 10. Hội nghị có sự góp mặt của Bộ trưởng 15 nước tham gia đàm phán RCEP.
Tại Hội nghị, các bộ trưởng ghi nhận thách thức chưa từng có mà thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt do đại dịch gây ra, do đó cần tăng cường hợp tác và phối hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và linh hoạt, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện sau đại dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, các bộ trưởng một mặt nhận thức rõ các thách thức đối với khu vực và mặt khác tái khẳng định quyết tâm ký kết Hiệp định RCEP tại Hội nghị Thượng định RCEP lần thứ 4 vào tháng 11/2020 theo chỉ đạo của Nhà lãnh đạo các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP. Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng nhất trí rằng việc ký kết RCEP trong năm 2020 sẽ phát đi tín hiệu về việc các nước tham gia đàm phán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực, từ đó góp phần khôi phục các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn khu vực.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về sự tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP. Các bên cho rằng Ấn Độ vẫn luôn là một thành viên quan trọng trong đàm phán Hiệp định RCEP kể từ khi khởi động vào năm 2012 và việc tham gia của Ấn Độ sẽ đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của toàn khu vực, theo đó, nhấn mạnh rằng Hiệp định RCEP vẫn tiếp tục mở để Ấn Độ có thể tham gia.
Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy kết thúc quá trình rà soát pháp lý lời văn chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét trên quy mô dân số.