Là điển hình chống COVID-19 thành công, Hàn Quốc vừa đổi cách đối phó thế nào?

Trong hai năm qua, Hàn Quốc đã triển khai một trận chiến chống COVID-19 thành công được gọi là “chiến lược ba chữ T”.

Chiến lược của Seoul gồm tăng cường xét nghiệm (test) để phát hiện kịp thời người mắc COVID-19; truy vết (trace) người tiếp xúc bằng công nghệ hiện đại; và điều trị (treat) cho bệnh nhân tại khu cách ly nghiêm ngặt.

Nhưng sau khi biến thể Omicron lây lan nhanh báo động khả năng đè sập hệ thống y tế công cộng, giới chức Hàn Quốc cho biết chiến lược trên hiện không còn bền vững và thậm chí có thể là vô nghĩa. Giờ đây, họ đang chuyển trọng tâm chống dịch sang một kế hoạch mới: “chọn lựa và tập trung”.

Chú thích ảnh
Hàn Quốc đã thay đổi chiến lược đối phó với dịch COVID-19 khi biến thể Omicron có nguy cơ áp đảo hệ thống y tế. Ảnh: AFP

Trong tuần qua, Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu người dân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ cần tự chăm sóc tại nhà, trong khi chuyển hướng nguồn lực đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Cách tiếp cận mới này đã gây bất bình cho một số người, đặc biệt khi số lượng người phải điều trị tại nhà tăng lên. 

Một số người nói rằng họ không được phản hồi khi gọi đến các đường dây nóng về đại dịch để tìm kiếm thông tin. Cảm giác bị phó mặc không giống như chính sách cũ đã khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. 

Các nguồn thiết bị y tế mà chính phủ hứa sẽ cung cấp, chẳng hạn như nhiệt kế, máy đo oxy, nước rửa tay và các nhu yếu phẩm khác, đã không được phân phát đúng hạn.  

“Cách tiếp cận mới của chính phủ là một cú sốc đối với những người đã nghiêm túc tuân thủ các quy định của chính phủ như đeo khẩu trang và tiêm phòng, và đổi lại họ mong đợi chính phủ có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của họ”, ông Kim Woo- joo, Chủ tịch Hiệp hội vaccine Hàn Quốc nói. 

Hôm 15/2, Chính phủ Hàn Quốc đã huy động hàng nghìn trạm y tế ở các khu vực lân cận giúp đỡ những người cần trợ giúp tại nhà, đồng thời giảm bớt tình trạng quá tải. Các quan chức y tế đã cố gắng trấn an mọi người rằng mặc dù ban đầu gây xáo trộn nhưng sự thay đổi chính sách này là không thể tránh khỏi và rất hợp lý, do ảnh hưởng của biến thể Omicron. 

Cho đến năm ngoái, Hàn Quốc chưa bao giờ ghi nhận hơn 7.849 ca mắc mới mỗi ngày. Nhưng khi Omicron trở thành biến thể thống trị, số người mắc mới hàng ngày đã tăng vọt lên 93.135 vào ngày 17/2. Nhà Xanh dự tính con số này sẽ lên đến  170.000 bệnh nhân mới mỗi ngày vào cuối tháng này. Khi có quá nhiều bệnh nhân, nguồn lực để phục vụ họ chắc chắn bị ảnh hưởng. 

May mắn thay, Omicron dường như ít nguy hiểm hơn so với biến thể Delta. Ngay cả khi Omicron lây lan mạnh, số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục là 109 ca vào ngày 23/12/2021 xuống còn 36 ca vào ngày 17/2. Số lượng bệnh nhân thể nặng cần điều trị tại bệnh viện đã giảm từ khoảng 1.000 người vào giữa tháng 12/2021 xuống còn 9 người vào ngày 17/2. Những người ở độ tuổi 60 trở lên chiếm 93% tổng số ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết: “Chúng ta phải sử dụng các nguồn lực hạn chế của mình một cách hiệu quả hơn, tập trung vào việc ngăn ngừa những bệnh nhân có nguy cơ cao biến chuyển nặng hoặc tử vong”.

Theo chiến lược mới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dành sự giám sát cho những bệnh nhân có nguy cơ cao đang ở nhà: người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Họ sẽ được cấp bộ dụng cụ điều trị tại nhà và gọi điện kiểm tra tình hình hai lần một ngày.

Những bệnh nhân khác có kết quả dương tính phải tự theo dõi các triệu chứng tại nhà và chỉ gọi điện cho nhân viên y tế khi tình trạng xấu đi. Các nhân viên y tế không còn gọi điện cho họ mỗi ngày một lần hoặc cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày khác như họ đã làm cho đến tuần trước. Thay vào đó, người nhà bệnh nhân hiện có thể tự do đi mua các vật dụng cần thiết nếu họ đã tiêm vaccine.

Giới phê bình cho rằng cách tiếp cận mới của chính phủ gây bất lợi cho các tầng lớp yếu thế, chẳng như người nghèo, những người khó tiếp cận với chăm sóc y tế hoặc các dịch vụ xã hội khác.

Chính phủ cho biết ngay cả khi số ca nhiễm mới hàng ngày tăng vọt, họ vẫn sẽ xem xét nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát để Hàn Quốc có thể chuyển sang “sống chung với COVID-19”, đồng thời điều trị căn bệnh này giống như bệnh cúm mùa, với điều kiện là số lượng bệnh nhân thể nặng phải được kiểm soát.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ đến lượt xét nghiệm COVID-19 ở Seoul. Ảnh: AFP

Liệu Nhà Xanh có thể bắt kịp đà tăng đột biến của làn sóng Omicron đủ tốt hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Tuần này, Mỹ đã xếp Hàn Quốc vào danh sách đỏ “không nên đi du lịch”. Số người được điều trị tại nhà đã tăng từ 150.000 vào tuần trước lên 314.000 vào ngày 17/2 và sẽ còn tăng lên.
Và do đó, số người bị biến chứng nặng cũng có thể tăng lên.

Giáo sư y tế dự phòng Jung Jae-hun, tại Đại học Gachon dự báo số ca mắc mới hàng ngày sẽ đạt đỉnh trên 200.000 ca và duy trì ở mức đó trong suốt tháng 3. Ước tính khác của Viện Khoa học Toán học Quốc gia cảnh báo quốc gia này sẽ có khoảng 360.000 bệnh nhân mới mỗi ngày vào đầu tháng tới.

Các nhà chức trách đang khẩn trương bố trí thêm giường điều trị cho những người gặp biến chứng nặng. Họ cũng đang yêu cầu các phòng khám lân cận tham gia điều trị từ xa cho bệnh nhân tại nhà. Theo một khảo sát gần đây, gần một nửa nhân viên làm việc tại các phòng khám do chính phủ điều hành ở tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul, yêu cầu chính phủ giải tỏa ngay lập tức tình trạng căng thẳng tột độ do khối lượng công việc khổng lồ đang đè nặng của họ.

Tuần trước, Hàn Quốc đã ngừng hoạt động công cụ giám sát GPS - ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp cảnh báo các nhân viên y tế khi bệnh nhân rời nhà mà không được phép. Nhiều người trong số 60.000 nhân viên từng giám sát hoạt động đi lại của bệnh nhân qua ứng dụng đó sẽ được giao nhiệm vụ mới như hỗ trợ những bệnh nhân dễ bị tổn thương tại nhà, cung cấp thuốc hoặc quản lý đường dây nóng.

Ông Lee Ki-il, điều phối viên cấp cao về kiểm soát dịch bệnh cho biết: “Đã xảy ra nút thắt trong các đường dây nóng vì chúng tôi đang phải xử lý lượng bệnh nhân tăng đột biến”. Chính phủ Hàn Quốc quyết định thay đổi cách đối phó với COVID-19 không chỉ vì biến thể Omicron mà còn vì công chúng ngày càng đòi hỏi sự đổi mới trong cách tiếp cận. 

Kể từ khi Hàn Quốc cấm người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm và những nơi đông đúc khác, hàng loạt vụ kiện đã xảy ra. Các đương sự cho rằng những lệnh hạn chế trên là phân biệt đối xử đối với những người chưa tiêm chủng và vi phạm quyền tự do của công dân, cũng như quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Học sinh trung học Yang Dae-rim đã tham gia vụ kiện chống lại kế hoạch của chính phủ khi cấm thanh thiếu niên chưa tiêm phòng đến trung tâm luyện thi hoặc các quán cà phê học tập. Yang và những người khác đã kiện riêng Tổng thống Moon Jae-in về tội “lạm dụng quyền lực”. Chính phủ sau đó đã loại bỏ hai địa điểm kể trên khỏi danh sách những nơi cần phải có chứng nhận về tiêm phòng.

Sau hai năm chiến đấu với virus SARS-CoV-2, Hàn Quốc nhận ra rằng chi phí duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt không còn bền vững về lâu dà. Hiện có hơn 86% dân số Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất hai liều vaccine ngừa COVID-19. 

Chính phủ cũng khuyến cáo người dân nên tiêm phòng nhắc lại, với lưu ý rằng hơn 60% những bệnh nhân tử vong hoặc bị biến chứng nặng là do không tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi. Nhưng chỉ dựa vào tiêm vaccine là chưa đủ để chấm dứt đại dịch COVID-19. 

“Chúng ta không thể kết thúc hoàn toàn nó giống như kết thúc một cuộc chiến. Căn bệnh này sẽ dần trở thành đặc hữu”, Giáo sư Jung Jae-hun nói. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Điều gì đã giúp Cuba đẩy lùi làn sóng Omicron?
Điều gì đã giúp Cuba đẩy lùi làn sóng Omicron?

Giới chuyên gia nhận định tỉ lệ bao phủ vaccine rộng rãi và chiến dịch tiêm chủng sớm cho trẻ em đã giúp Cuba đánh bại làn sóng Omicron, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với số ca nhiễm tăng vọt khi biến thể lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN