Hiện lãnh đạo các nước đang bước sang ngày làm việc thứ 4 của hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ).
Phát biểu trước khi bắt đầu ngày làm việc này, Tổng thống Macron cho biết các cuộc thảo luận căng thẳng được nối lại "với kỳ vọng đạt được thỏa hiệp". Trong khi đó, Thủ tướng Merkel khẳng định trong các ngày làm việc trước, lãnh đạo các nước đã xây dựng được bộ khung cho một thỏa thuận khả thi. Bà nhận định đây là một bước tiến khả quan và mang lại hy vọng trong ngày làm việc này, các nhà lãnh đạo có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết lãnh đạo các nước EU quyết tâm đạt được một thỏa thuận về ngân sách dài hạn của khối này và một kế hoạch phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), ông David Sassoli tuyên bố EP sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào của các nước EU về gói phục hồi kinh tế nếu văn bản này không đáp ứng những điều kiện nhất định.
Hiện các nhà lãnh đạo EU vẫn đang chia rẽ về đề xuất ngân sách dài hạn 1.074 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD) và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (khoảng 856 tỷ USD) nhằm mục tiêu khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng COVID-19, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.
Đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm "Frugals", gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ euro, thậm chí là có điều kiện đi kèm.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, trong sáng 20/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là "con đường hướng tới một thỏa thuận". Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ USD đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm "Frugals". Đề xuất mới này sau đó đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Áo và Hà Lan, nhưng vẫn cần nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó thông qua tại EP.