Ủy ban cho biết tiêu chuẩn về tỷ lệ 50% phụ nữ - 50% nam giới cần được áp dụng trong mọi lĩnh vực, từ khu vực công và tư nhân đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế và không gian kỹ thuật số.
Tuyên bố khẳng định: “Mục tiêu 30% đại diện phụ nữ trong quá trình ra quyết định không tương thích với mục tiêu cốt lõi là xóa bỏ phân biệt đối xử”. Theo ủy ban này, các quyết định sẽ chỉ có ý nghĩa và đạt hiệu quả bền vững khi tỷ lệ bình đẳng 50 - 50 giữa phụ nữ và nam giới được tôn trọng và lợi ích của hai bên được đảm bảo.
Hiện nay, khoảng 189 quốc gia đã tham gia Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Ủy ban gồm 23 thành viên, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi công ước tại các quốc gia.
Dự kiến, trong ngày 25/10, các chuyên gia sẽ trình bày hướng dẫn chi tiết về công ước tại cuộc họp với các quốc gia thành viên. Tham gia cuộc họp có người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ Volker Turk.
Ủy ban cảnh báo rằng việc không đạt được bình đẳng giới sẽ cản trở các quốc gia giải quyết hiệu quả các thách thức cấp bách, “đặc biệt là những thách thức liên quan đến hòa bình, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo”.
Ủy ban cũng lưu ý thực tế rằng phụ nữ hiện vẫn “bị loại trừ một cách có hệ thống” khỏi các hoạt động ngăn ngừa xung đột và khủng hoảng, chỉ chiếm 16% số đại diện tham gia đàm phán hòa bình. Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ ghế trong quốc hội và các vị trí quản lý trên thị trường lao động lần lượt là 27% và 28%. Ngoài ra, phụ nữ có mức đại diện rất thấp trong phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Trước tình hình này, Ủy ban LHQ kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bao gồm bất bình đẳng về tiền lương, thuế và các quy định pháp lý.