Đại diện của các quốc gia thành viên đã có mặt tại trụ sở LHQ ở thành phố New York của Mỹ để đánh giá tiến độ thực hiện Khung hành động Toàn cầu Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai - một thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2015 nhằm giảm thiệt hại, tổn thất về người và vật chất do ảnh hưởng của các hiểm họa tự nhiên và phi tự nhiên, đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối thập kỷ này.
Phát biểu trước Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed nhấn mạnh thế giới đang trong một thời điểm quan trọng, khi đã đi qua nửa chặng đường tiến tới năm 2030. Bà nêu rõ việc không thực hiện triệt để các cam kết về khí hậu và phát triển bền vững là nguyên nhân khiến các thảm họa tự nhiên xảy ra thường xuyên với cường độ lớn, hàng trăm nghìn người thiệt mạng hoặc mất nhà ở. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng khác diễn ra chồng chéo như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, xung đột vũ trang... đã kéo chi phí sinh hoạt tăng cao, bất bình đẳng gia tăng, khiến tình hình thêm trầm trọng. Phó Tổng Thư ký LHQ Mohammedl lưu ý các mối đe dọa khác xuất phát từ những thiếu sót trong quản trị hệ thống ngân hàng và tài chính toàn cầu, trong khi các tác động của tình trạng Trái Đất ấm lên là không thể đảo ngược. Bà nhấn mạnh việc giải quyết những thách thức này đồng nghĩa với thay đổi cách ứng phó với rủi ro thông qua tư duy hệ thống, hợp tác, xử lý nhanh và hiệu quả để ngăn chặn, quản lý và giảm thiểu rủi ro toàn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Csaba Korosi nhấn mạnh buổi đánh giá ngày 19/5 là "cơ hội cuối cùng trước năm 2030 để các nước cùng nhau điều chỉnh hướng đi", đồng thời kêu gọi các hành động khẩn cấp. Ông nêu rõ các thảm họa tự nhiên đang ngày càng trở nên tàn khốc và "không có giới hạn" với dẫn chứng là trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cũng như cơn bão Mocha ở Myanmar và Bangladesh. Theo ông Korosi, việc giải quyết các rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng phục hồi đã trở thành ưu tiên của tất cả các nước.
Phản ánh về những tiến bộ đạt được kể từ khi thông qua Khung hành động Sendai vào năm 2015, Chủ tịch ĐHĐ thừa nhận rằng những nỗ lực của cộng đồng quốc tế đang không theo kịp với mức độ cấp bách của tình hình hiện tại, đồng thời kêu gọi đánh giá lại các quy trình và hệ thống ra quyết định. Ông nhấn mạnh cần phải điều chỉnh các hành động toàn cầu cho phù hợp với tính chất hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên và tính đến chi phí thực sự cho các quyết định của chính phủ, trong khi khẳng định tầm quan trọng của việc thay đổi cách tiếp cận và hướng tới "sự phát triển toàn diện và bền vững".
Người đứng đầu Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của LHQ Mami Mizutori cho biết kể từ năm 2015, ngày càng có nhiều chính phủ bổ sung, nâng cấp hệ thống thống kê tổn thất quốc gia và nhiều nước đã xây dựng chiến lược về giảm thiểu rủi ro thiên tai, song tiến độ này trên thế giới không đồng đều. Trong khi đó, các thảm họa này tác động mạnh đến các nước kém phát triển nhất thế giới, các nước châu Phi, các nước có thu nhập trung bình,...với hệ lụy ngày càng nặng nề và rõ rệt. Bà Mizutori cho rằng ở thời điểm này, việc thực hiện hóa các mục tiêu của Khung hành động Sendai nên là một trong những ưu tiên hàng đầu.