libi

Liên quân tấn công Libi:Ai là chỉ huy?

Phản đối ngay trong lòng nước Mỹ và Anh

Cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Libi đã bước sang ngày thứ 4. Thêm nhiều thương vong, thêm nhiều thiệt hại cho đất nước Bắc Phi này. Trong khi đó, liên quân vẫn chưa tìm được người nắm quyền chỉ huy chiến dịch tấn công Libi, trong bối cảnh làn sóng phản đối hành động quân sự này ngày một dâng cao, kể cả tại những quốc gia tham chiến ở Libi.

Chiến sự vẫn ác liệt

Ngày 22/3, nhiều khu vực tại thủ đô Tripôli và các thành phố khác của Libi tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của liên quân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Canađa...

Lực lượng nổi dậy ẩn tránh đạn từ xe tăng của quân đội chính phủ Libi ở ngoại ô Ajdabiya ngày 22/3.


Truyền hình quốc gia Libi phát những hình ảnh cho thấy, một số địa điểm, trong đó có một căn cứ hải quân gần trụ sở đài truyền hình ở Tripôli và một đường ống dẫn dầu tại Shaab, thành phố cảng phía đông Tripôli, bị dội bom. Các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy những cột lửa tại căn cứ hải quân Bussetta, cách Tripôli khoảng 10 km về phía đông. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tripôli, người phát ngôn của chính phủ Libi, ông Mussa Ibrahim cho biết, liên quân đã đánh phá thị trấn miền nam Sebha, thành trì của bộ lạc Guededfa của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, nơi đặt một căn cứ quân sự quan trọng của Libi, và thành phố Sirte, nơi đặt một số cơ quan quan trọng của chính phủ, và cũng là quê hương của ông Kadhafi, cách Tripôli 360 km về phía đông.

Đã có thêm nhiều dân thường bị thiệt mạng, nhiều sân bay dân sự và cảng biển bị phá hủy trong đợt không kích mới này. Một lính cứu thương của quân đội Libi ở thành phố Misrata, cách Tripôli 214 km về phía đông, cho biết, chỉ riêng ở đây đã có ít nhất 40 người chết và 300 người bị thương.

Liên quan đến chiến sự ở Libi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Anatoly Serduykov ngày 22/3, cho biết, các cuộc tấn công quân sự của liên quân “có thể sẽ giảm xuống trong vài ngày tới”, khi hệ thống phòng không của Libi đã bị phá hủy.

Cùng ngày, lực lượng nổi dậy ở Libi cũng bày tỏ mong muốn nhanh chóng có một lệnh ngừng bắn. Hãng tin AFP (Pháp) cho biết, trong cuộc gặp đầu tiên với đặc phái viên Liên hợp quốc ở Libi Abdel Elah Al Khatib tại Tobruk (miền đông Libi), các thủ lĩnh của lực lượng đối lập ở Libi đã nhắc lại đề nghị lực lượng của chính phủ dỡ bỏ phong tỏa các thành phố và nhanh chóng ban hành lệnh ngừng bắn.

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 22/3 tuyên bố sẽ thực hiện lệnh cấm vận vũ khí LHQ áp đặt đối với Libi. Một nguồn tin ngoại giao cho biết, NATO đã nhất trí sử dụng sức mạnh hải quân của mình để thực thi lệnh cấm vận vũ khí trên đường biển.

Liên quân - “Rắn chưa có đầu”

Diễn ra đã 4 ngày nay nhưng chiến dịch tấn công quân sự của liên quân vẫn chưa có người chỉ huy cao nhất. Nhiều ý kiến cho rằng NATO có thể sẽ đảm nhận vai trò thủ lĩnh, song trên thực thế, các nước thành viên NATO đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.

Trong chiến dịch tấn công quân sự chống Libi, Mỹ ngay từ đầu đã không nhận vai trò “thủ lĩnh” mà chỉ là “hỗ trợ các đồng minh”. Ngày 21/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Oasinhtơn sẽ nhanh chóng giảm bớt vai trò trong chiến dịch này. Người đứng đầu nước Mỹ còn bày tỏ hy vọng NATO sẽ tiếp nhận vai trò lãnh đạo chiến dịch “ngay trong vài ngày tới, chứ không phải là vài tuần tới”.

Sinh viên Philíppin phản đối cuộc tấn công quân sự Libi xung đột với cảnh sát bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Manila ngày 22/3.


Về phần NATO, ngày 22/3, các đại sứ của liên minh gồm 28 quốc gia này đã nhóm họp ở Brúcxen để thảo luận việc NATO có nên nhận vai trò thủ lĩnh hay chỉ giữ vai trò hỗ trợ trong cuộc tấn công quân sự Libi.

Pháp – nước khai hỏa cuộc tấn công Libi – e ngại việc NATO đảm nhận vai trò thủ lĩnh sẽ làm ảnh hưởng đến việc lôi kéo các nước Arập tham gia cuộc chiến này.

Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên chủ chốt của NATO ở khu vực và là quốc gia duy nhất trong NATO có phần lớn dân số là người Hồi giáo – tỏ rõ thái độ không đồng tình với việc NATO tham gia chiến dịch tấn công Libi và ngay từ đầu đã chỉ trích chiến dịch này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định trước Quốc hội là “sẽ không bao giờ chĩa súng vào người dân Libi”.

Một thành viên NATO khác là Đức, từng bỏ phiếu trắng cho nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay ở Libi của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, cũng từ chối tham gia chiến dịch tấn công Libi.

Trong khi đó, Na Uy tuyên bố, các máy bay chiến đấu của nước này sẽ không cất cánh để tham gia chiến dịch tấn công Libi chừng nào chiến dịch này chưa có người chỉ huy. Tương tự, Italia cũng thông báo sẽ lấy lại quyền quản lý các căn cứ trên lãnh thổ nước này mà liên quân đang sử dụng.

Theo tờ Financial Times, bất đồng trong NATO đã lên đến đỉnh điểm tại cuộc họp kín của đại sứ các nước thành viên. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vô cùng tức giận với quan điểm của Pháp và Đức, đã mời đại diện của hai nước này ra khỏi phòng họp.

Trong một diễn biến khác, HĐBA LHQ đã nhất trí nhóm họp vào ngày 24/3 để nghe Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon tóm tắt tình hình tại Libi sau 7 ngày cơ quan này thông qua nghị quyết 1973. Quyết định này được ra trong cuộc họp kín ngày 22/3 của các thành viên HĐBA sau khi nhận được bức thư của Ngoại trưởng Libi Musa Kousa cáo buộc về một "âm mưu từ bên ngoài đang nhằm vào Libi", tấn công một quốc gia độc lập và là thành viên của LHQ. Trong bức thư này đề ngày 19/3, Ngoại trưởng Kousa đã cáo buộc liên quân ném bom nhiều khu vực dân sự, vi phạm Hiến chương LHQ và kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm chấm dứt hành động xâm lược trên.

Phản đối ngay trong lòng nước Mỹ và Anh

Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đối mặt với sự chỉ trích của nghị sĩ Quốc hội thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới quyết định tấn công Libi. Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết, Hạ nghị sĩ Dân chủ Michael Honda nêu rõ động lực thúc đẩy các cuộc tấn công của liên quân vào Libi những mỏ dầu lớn của Libi chứ không phải vấn về nhân quyền. Ông cho rằng Lầu Năm Góc "đã hành động dựa trên những tính toán về năng lượng của Libi, nước có trữ lượng dầu đứng thứ 7 trên thế giới".

Chia sẻ quan điểm này, nữ Hạ nghị sĩ Cộng hòa Candice Miller, thành viên Ủy ban An ninh nội địa của Hạ viện Mỹ, cho rằng việc Tổng thống Obama ra lệnh tấn công Libi mà không có sự đồng ý chính thức của Quốc hội Mỹ là "không thể chấp nhận". Bà nghị sĩ yêu cầu ông Obama phải rút ngắn chuyến công du Mỹ Latinh hiện nay và có một cuộc họp với Quốc hội để thảo luận về vấn đề này". Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC, Thượng nghị sĩ John Barrasso thuộc đảng Cộng hòa Mỹ đã đặt vấn đề về mục tiêu và vai trò của Mỹ trong cuộc tấn công vào Libi. Ông dự đoán rằng sứ mệnh lần này của các lực lượng vũ trang Mỹ có thể kéo dài nhiều tháng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros - Lehtinen, lại cho rằng Tổng thống Obama "chưa xác định rõ cho người dân Mỹ về lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ trong cuộc chiến này tại Libi".

Tại Anh, chính phủ cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối của người dân trong nước. Kết quả thăm dò dư luận do ComRes/ITV News thực hiện cho thấy có tới 43% số người được hỏi phản đối chiến dịch quân sự có sự tham gia của Anh tại Libi, trong khi tỷ lệ những người lưỡng lự là 22%. Nhiều người dân lo ngại rằng Anh sẽ sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài đúng thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và cần phải thắt chặt chi tiêu ngân sách.

Trong khi đó, chiến dịch quân sự của liên quân nhằm vào Libi tiếp tục vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Nga Vladimir Putin đánh giá nghị quyết 1973 là một "lời kêu gọi thập tự chinh thời trung cổ" và là bằng chứng cho thấy Mỹ có xu hướng sử dụng bạo lực chống lại các nước thuộc thế giới thứ ba. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định. Nga sẽ không tham gia bất cứ hoạt động quân sự nào liên quan đến vùng cấm bay hay các chiến dịch quân sự trên bộ tại Bộ Ngoại giao Cuba đã ra tuyên bố phản đối việc phương Tây tấn công quân sự chống Libi, gây thương vong cho người dân nước này, và coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Tuyên bố nêu rõ, cuộc chiến hiện nay tại Libi cần phải được giải quyết bằng đối thoại và thương lượng. Cuba ủng hộ quyền tự quyết hợp pháp của dân tộc Libi trong những vấn đề nội bộ của đất nước không có sự can thiệp của nước ngoài.

Tổng thống Uganđa Yowei Museveni đã lên án chính sách hai mặt của phương Tây trong vấn đề Libi. Ông nêu rõ, trong khi dùng vũ lực để áp đặt vùng cấm bay tại Libi - một nước đối đầu, thì phương Tây lại làm ngơ trước những diễn biến tương tự tại Baranh - đồng minh của họ.

Tổng thống Dimbabuê, Robert Mugabe, cho rằng, một số quốc gia đã lợi dụng nghị quyết của HĐBA LHQ và Liên minh châu Phi cũng như Liên đoàn Arập thật ra đã bị phương Tây lừa.

Êcuađo cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động can thiệp quân sự vào Libi, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Minh Minh (Tổng hợp)

Liên quân tấn công Libi: Mỹ đứng ở “tuyến hai” vì cạn hầu bao?
Liên quân tấn công Libi: Mỹ đứng ở “tuyến hai” vì cạn hầu bao?

Trong chiến dịch tấn công quân sự chống Libi, ngay từ đầu Mỹ đã không nhận vai trò “thủ lĩnh” mà chỉ là “hỗ trợ các đồng minh”. Theo nhận định của các nhà phân tích quốc phòng, Oasinhtơn hiện không đủ sức mở thêm một mặt trận mới...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN