Ngày 21/12, lò phản ứng hạt nhân Flamanville 3, được mệnh danh là mạnh nhất nước Pháp, chính thức kết nối vào mạng lưới điện quốc gia sau nhiều năm trì hoãn và đội vốn gấp bốn lần so với dự kiến ban đầu.
Lò phản ứng Flamanville 3 thuộc thế hệ EPR (Lò phản ứng áp suất nước cải tiến) tại Normandy bắt đầu cung cấp điện cho các hộ gia đình Pháp lúc 11 giờ 48 phút ngày 21/12 (giờ địa phương), theo thông báo của Giám đốc điều hành công ty điện lực EDF, ông Luc Remont.
Tổng thống Emmanuel Macron đã ca ngợi sự kiện này là một thành tựu lớn và mô tả đây là một trong những lò phản ứng hạt nhân mạnh nhất thế giới.
Trên mạng xã hội X, ông Macron tuyên bố: “Tái công nghiệp hóa để sản xuất năng lượng carbon thấp chính là phong cách sinh thái kiểu Pháp”.
Giám đốc Luc Remont của EDF gọi đây là một "sự kiện lịch sử", bởi lần gần đây nhất một lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động tại Pháp là cách đây 25 năm, với lò Civaux 2 ở miền Tây Nam.
Với công suất 1.600 MW, Flamanville 3 là lò phản ứng hạt nhân mạnh nhất của Pháp, đủ để cung cấp điện cho hơn hai triệu hộ gia đình.
Tuy nhiên, dự án này đã trải qua 12 năm trì hoãn do hàng loạt sự cố kỹ thuật, khiến chi phí tăng từ 3,3 tỷ euro ban đầu lên 13,2 tỷ euro (tương đương 13,76 tỷ USD).
Quá trình khởi động lò phản ứng bắt đầu từ ngày 3/9, nhưng phải tạm dừng ngay ngày hôm sau do sự cố ngừng hoạt động tự động. Sau đó, quá trình này được nối lại và tăng dần công suất để đảm bảo lò kết nối an toàn vào mạng lưới điện quốc gia.
Năng lượng hạt nhân hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng năng lượng của Pháp, biến nước này trở thành một trong những quốc gia có chương trình hạt nhân lớn nhất thế giới.
Điều này hoàn toàn trái ngược với Đức, quốc gia láng giềng đã chính thức từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm ngoái bằng cách đóng cửa ba lò phản ứng cuối cùng.
Trước bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Tổng thống Macron đã đặt mục tiêu tăng cường năng lượng hạt nhân để đảm bảo sự bền vững cho hệ thống năng lượng của Pháp.
Chính phủ nước này đã lên kế hoạch xây dựng thêm sáu lò phản ứng EPR2 và dự kiến đặt hàng tám lò khác, với tổng chi phí lên đến hàng chục tỷ euro.
Việc lò phản ứng Flamanville 3 đi vào hoạt động không chỉ giúp tăng sản lượng điện mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tham vọng của Pháp nhằm giữ vững vị thế dẫn đầu trong sản xuất năng lượng sạch và bền vững.