Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck mới đây tuyên bố rằng Berlin sẽ trừng phạt các công ty EU trốn tránh lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ và các nước EU ngày càng lo ngại về những lỗ hổng lệnh trừng phạt.
Nhờ giao thương với "các nước thân thiện", các công ty Nga đã tìm cách thay thế hoặc né tránh hầu hết các biện pháp trừng phạt đối với máy móc và công nghệ.
Đức đặc biệt dễ xuất hiện lỗ hổng trừng phạt. Trước xung đột Nga - Ukraine, số công ty Đức đăng ký ở Nga nhiều gấp 10 lần so với bất kỳ quốc gia EU nào khác. Hơn nữa, kể từ khi xung đột bắt đầu, chỉ có 9% công ty nước ngoài từng nói rằng họ sẽ rời đi là thực sự rút lui. Trong số các công ty Đức hoạt động tại Nga, chỉ có 4% đóng cửa.
Do đó, ông Habeck đề xuất kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty bán hàng hóa sang Nga thông qua các nước thứ ba và đe dọa họ sẽ bị truy tố hình sự vì khai báo xuất khẩu sai nếu bị bắt. Theo ông Habeck, việc trốn tránh lệnh trừng phạt là "tội không nhẹ" và kêu gọi một chế độ chặt chẽ hơn để cảnh sát áp dụng lệnh trừng phạt trên tất cả các quốc gia thành viên EU.
Báo cáo Chuyển đổi của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) gần đây nhất đưa ra thông tin chi tiết về các luồng thương mại đang thay đổi nhanh chóng kể từ khi lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng do xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, trong khi kim ngạch thương mại của Nga với EU sụt giảm thì kim ngạch thương mại của Moskva với “các nước thân thiện” lại tăng vọt. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt Đức trở thành nhà xuất khẩu và trở thành điểm trung chuyển chính cho hàng hóa từ phần còn lại của thế giới đến Nga. EBRD lưu ý rằng trong khi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng vọt, nhưng nhập khẩu từ châu Âu của họ không thay đổi nhiều, cho thấy hầu hết hàng hóa được gửi đến Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ đều được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, ở các quốc gia khác trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) đã chứng kiến việc nhập khẩu hàng hóa phương Tây của họ tăng vọt và xuất khẩu sang Nga cũng tăng vọt. Theo báo cáo của EBRD, Kyrgyzstan, Armenia, Gruzia và thậm chí cả Estonia đều chứng kiến kim ngạch thương mại tăng mạnh.
Lỗ hổng trừng phạt đặc biệt khiến phương Tây lo ngại với công nghệ và máy móc, những thứ mà Nga gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp của phương Tây. Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt công nghệ là một trong những biện pháp dễ kiểm soát nhất vì các công ty phương Tây có quyền kiểm soát gần như độc quyền đối với lĩnh vực này. Trên thực tế, các công ty Nga cho biết họ có thể thay thế gần như toàn bộ hàng nhập khẩu này, trong đó Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu (67%).
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Viện Gaidar ở Moskva, 15% các công ty Nga được hỏi cho biết họ đã “bằng cách nào đó” vẫn tiếp tục nhập khẩu máy móc và công nghệ bị phương Tây trừng phạt. Các nhà sản xuất Nga cũng đã đầu tư mạnh vào việc trang bị lại để lấp đầy lỗ hổng do nguồn cung cấp phương Tây bị hạn chế.
Viện Gaidar cũng phát hiện ra rằng các công ty Nga đã thay thế phần lớn phụ tùng bị trừng phạt bằng hàng nhập khẩu từ các "quốc gia thân thiện". Trung Quốc một lần nữa đóng vai trò dẫn đầu chiếm gần 2/3 (63%) lượng hàng nhập khẩu của các công ty công nghiệp có sự chuyển đổi nhà cung cấp. Các nhà cung cấp từ các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tương tự trong các bộ phận cũng như trong máy móc.
Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã đánh giá về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga: “Nga đang có được mọi thứ mình cần, mặc dù với chi phí cao hơn và khó khăn hơn".
Nghiên cứu dữ liệu thương mại của EBRD cũng cho thấy "một lượng đáng kể" các sản phẩm bị trừng phạt đang được xuất khẩu từ EU và Đức sang các nước thứ ba "và sau đó xuất khẩu sang Nga", bất chấp các lệnh trừng phạt nghiêm khắc. Bộ kinh tế Đức cho rằng "chúng tôi phải cùng nhau giải quyết những lỗ hổng trừng phạt này một cách hiệu quả hơn những gì chúng ta đã làm cho đến nay, cả ở cấp quốc gia và cấp EU".
Vì vậy, Đức được cho là sẽ thúc đẩy các đề xuất được đưa vào gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga, với việc ông Habeck tuyên bố rằng các doanh nghiệp trốn tránh lệnh trừng phạt là "phản bội lợi ích của những người [Ukraine] đang đấu tranh cho tự do của họ".
Ông Habeck cũng đang đề xuất một cấp độ báo cáo mới trong đó các nhà xuất khẩu phải cung cấp "người sử dụng cuối" một cách minh bạch, nhằm xác định người nhận lợi ích cuối cùng của hàng hóa xuất khẩu như một phần trong tờ khai xuất khẩu của họ, thay vì chỉ là cảng ghé đầu tiên cho hàng hóa xuất khẩu.
Quy tắc mới của ông Habeck sẽ áp dụng cho "tất cả hàng hóa bị trừng phạt có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và bất kỳ ai cung cấp thông tin sai lệch trong tuyên bố sử dụng cuối cùng sẽ bị kết án hình sự".
Đề xuất trên của ông Habeck diễn ra khi EU và các đối tác, bao gồm cả Mỹ và Anh, gặp nhau để chia sẻ thông tin tình báo về khả năng né tránh các biện pháp trừng phạt. David O'Sullivan, đặc phái viên trừng phạt mới được bổ nhiệm của EU, đã giải thích với tờ Financial Times rằng họ lo ngại về các kế hoạch né tránh lệnh trừng phạt khi tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ EU.