Lý do Thổ Nhĩ Kỳ muốn 'kết hôn' với BRICS

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề cập đến ý tưởng Ankara gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cho thấy quốc gia này muốn đa dạng chính sách đối ngoại do phần thất vọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh giá lãnh đạo của 5 quốc gia thành viên BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nên thêm chữ viết tắt “T” vào tên của khối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra phát biểu này khi dự hội nghị thượng đỉnh của BRICS tổ chức từ ngày 25-27/7 tại Johannesburg (Nam Phi).

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS ngày 27/7. Ảnh: Reuters

Trước diễn biến trên, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Di sản tự nhiên và văn hóa Nga Evgeniy Bakhrevskiy đánh giá rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng thất vọng với phương Tây.

 

Theo ông Bakhrevskiy, Tổng thống Erdogan tin rằng cần phải đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ bởi nhà lãnh đạo này không hài lòng với cấu trúc của phương Tây, với EU và đang mang mối quan hệ không mấy thắm thiết với Mỹ.

 

 
Ông Bakhrevskiy còn nhấn mạnh rằng BRICS là một khối dân chủ không yêu cầu quốc gia muốn gia nhập phải từ bỏ tư cách thành viên ở NATO do vậy Thổ Nhĩ Kỳ không hề phải lo ngại.
 

Trong khi đó, ông Stevan Gajic tại Viện nghiên cứu châu Âu ở Belgrade (Serbia) cho rằng có “yếu tố cá nhân” khiến Tổng thống Erdogan muốn gia nhập liên minh mới. Ông Gajic đánh giá chính cuộc đảo chính bất thành năm 2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ và việc lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad giành được nhiều thắng lợi nhờ sự hỗ trợ của Nga là hai nhân tố chính khiến quan điểm của Tổng thống Erdogan thay đổi.
 

Ngoài ra, việc giấc mơ gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng trong thời gian dài cũng càng khiến Tổng thống Erdogan thêm phần không vừa ý. Mặc dù EU là đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Ankara vẫn mắc kẹt trong “phòng chờ” để gia nhập khối này.
 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ cũng đang trải qua quãng thời gian không mấy “mặn nồng”. Việc Mỹ hỗ trợ cho lực lượng người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng khiến công chúng Thổ Nhĩ Kỳ không “vừa mắt”. Thổ Nhĩ Kỳ còn xếp những lực lượng Mỹ ủng hộ tại Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố.

Cùng thời điểm này, quan hệ Ankara và Moskva đã dần phục hồi sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Nga tháng 11/2015. Sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, Nga lên tiếng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Erdogan.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gülen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, có liên quan tới cuộc đảo chính này. Hai phi công Thổ Nhĩ Kỳ là nghi phạm bắn hạ chiến đấu cơ Nga năm 2015 đã bị bắt giữ trong cuộc đảo chính năm 2016. Do vậy, ông Gajic cho rằng sự kiện bắn hạ Su-24 của Nga năm 2015 là một âm mưu nhằm gây tổn hại mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Gajic nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ rời NATO có thể là “miếng đòn đau” với liên minh quân sự vốn đang lung lay do Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục yêu cầu các thành viên châu Âu phải “mở thêm hầu bao” dành cho quân sự.
 

Hà Linh/Báo Tin tức
Tổng thống Putin đi quảng cáo bán hàng?
Tổng thống Putin đi quảng cáo bán hàng?

Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ xuất hiện trong đoạn băng quảng cáo của một công ty sản xuất đồ gia dụng Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN