Thị trưởng Miami, Francis Suarez đã trả lời nhiều câu hỏi từ các giám đốc điều hành hàng đầu trong giới công nghệ, những người gần đây đã tìm đến ông – từ CEO của Tesla, Elon Musk tới CEO Twitter, Jack Dorsey. Ông được cho là đã gặp cựu CEO Google, Eric Schmidt và Chủ tịch Palantir, Peter Thiel cùng nhiều người khác.
Thị trưởng Suarez đã chào mời điều gì mà Thung lũng Silicon không có?
Ông đang thuyết phục họ rằng Miami hứa hẹn một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. “Hoàn toàn không nghi ngờ rằng một phần lớn lý do họ chuyển đi là vì cảm thấy môi trường ở đó không thân thiện về thuế và các quy định”, Thị trưởng Suarez cho hay.
Trong tuần này, Miami sẽ trả lời các doanh nghiệp từ Thung lũng Silicon bằng việc bổ nhiệm giám đốc phụ trách công nghệ (CTO) đầu tiên của thành phố. Ông Suarez khẳng định CTO mới sẽ “cung cấp dịch vụ trợ giúp đặc biệt” cho các công ty công nghệ cao khi họ đến Miami.
Rời bỏ Silicon
Mặc dù Thung lũng Silicon chưa bao giờ ngừng đóng vai trò trung tâm của ngành công nghệ Mỹ, không thể phủ nhận đang diễn ra một cuộc di cư của một số tầng lớp ưu tú tại đây tới những thành phố như Miami.
Nhà đồng sáng lập Reddit, Alexis Ohanian đã chuyển tới San Francisco năm 2017. Một năm sau, nhà đầu tư mạo hiểm Shervin Pishevar mua nhà ở Miami Beach. Cuối 2020, Jonathan Oringer, nhà sáng lập Shuttercock, cũng chuyển tới Miami. Tương tự như vậy là các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng khác gồm Keith Rabois và David Blumberg.
Không chỉ có Miami đón nhận cuộc di cư này. Tháng trước, gã khổng lồ Oracle thông báo đang chuyển trụ sở từ Redwood, California tới Austin, Texas. Palantir cũng chuyển tới Denver, trong khi tỷ phú Alon Musk thông báo đã tự chuyển đến Austin. Tháng trước, công ty Hewlett Packard Enterprise cũng thông báo sẽ chuyển trụ sở chính từ San Jose, California đến một vùng ngoại ô Houston.
Phát ngôn viên của Hewlett Packard Enterprise, Adam Bauer cho biết: “Chúng tôi quyết định chuyển trụ sở của mình đến khu vực Houston để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, cơ hội tiết kiệm chi phí lâu dài và sở thích của các thành viên về tương lai công việc”.
Dan Ives, một nhà phân tích tài chính của Wedbush Securities, nhận định: “Có một đợt di cư nhỏ của các công ty công nghệ rời khỏi Thung lũng và tôi nghĩ rằng hoạt động này sẽ tăng tốc vào năm 2021”.
Nhưng lý do nhiều doanh nghiệp chuyển đi phức tạp hơn mọi người có thể nghĩ.
Chi phí nhân công
Các chuyên gia thuế cho biết các công ty không hẳn phải chuyển trụ sở để được ưu đãi thuế kinh doanh. Thay vào đó, đây có thể là một cuộc chơi dài hạn giúp họ chỉ phải chịu chi phí lương cho người lao động tương đối thấp hơn, ở những nơi có chi phí sinh hoạt thấp.
Các công ty cũng có thể đang tìm cách tránh né hoặc giảm thiểu tác động của các luật hiện hành hoặc trong tương lai của các bang và thành phố, đặc biệt là ở một bang nổi tiếng tự do chính trị như California.
“Hãy nhìn sang Austin, họ đang tạo ra một Thung lũng Silicon nhỏ với chi phí nhân công trung bình chỉ bằng một nửa”, nhà phân tích tài chính Dan Ives làm cho công ty Wedbush Securities, cho hay.
Các chuyên gia luật thuế cho rằng, những công ty như Oracle – có chi nhánh ở nhiều thành phố, bao gồm Miami và Austin – vẫn phải trả cùng số tiền thuế bất kể đặt trụ sở ở đâu. Tuy nhiên theo họ, Oracle có thể phải chịu chi phí nhân công cao hơn ở California và thấp hơn ở Texas.
Theo nhà phân tích Brian Kropp, việc chuyển nhân viên từ California đến Texas có thể tiết kiệm chi phí dài hạn của công ty, có nghĩa là các khoản chi lớn hơn cho các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty này.
Đe dọa pháp lý
Một số công ty cũng bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều luật lệ riêng của từng bang nhắm vào những người giàu có và doanh nghiệp.
Chuyên gia Kropp cho biết, một đạo luật của California vào năm 2018 yêu cầu các công ty có trụ sở chính đặt tại bang này phải có ít nhất một nữ giám đốc trong ban giám đốc. Đến cuối năm 2021, những công ty có từ 6 giám đốc trở lên phải có ít nhất 3 nữ giám đốc.
Ngoài luật tiểu bang quy định tăng quyền đại diện cho phụ nữ, California và New York còn có những nỗ lực ban đầu trong việc áp thuế tài sản.
Năm ngoái, cơ quan lập pháp bang California đã đệ trình Dự luật 2088 nhằm đánh thuế mới 0,4% đối với những cá nhân nắm giữ tài sản hơn 30 triệu USD và sẽ truy thu những người đã rời California trong thập kỷ trước. Nhưng dự luật đã thất bại trong phiên họp thông qua. Hiện tại lại có một dự luật khác tìm cách tăng thuế thu nhập cá nhân với những người kiếm trên 1 triệu USD/năm, và đánh thuế vào cả các tập đoàn nhằm gây quỹ giúp đỡ nhu cầu của người vô gia cư.
Các thành phố như San Francisco, Portland, Oregon, cũng áp đặt các loại thuế mới đối với các công ty lớn trả lương cao cho CEO, bất kể công ty có trụ sở chính hoặc được thành lập ở đâu.