Đây được đánh giá là sự kiện quan trọng đối với toàn bộ khu vực Á - Âu nói chung và nước chủ nhà Pakistan nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt, nhiều điểm nóng xung đột leo thang.
Các thành viên của SCO, trong đó có các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Iran, đã ký tổng cộng 8 văn bản, trong đó có tuyên bố chung, đánh dấu một bước quan trọng hướng tới tăng cường hợp tác giữa các thành viên. Trong các tuyên bố, những người đứng đầu SCO đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên thông qua đàm phán, ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hòa bình, hòa hợp và phát triển; nhất trí tôn trọng các quyền tự do dân chủ, chính trị, xã hội và kinh tế của người dân; tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác vì một khu vực an ninh, hòa bình và thịnh vượng; kêu gọi mở rộng hợp tác giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại, kinh tế, đầu tư và văn hóa; tận dụng hiệu quả đổi mới khoa học công nghệ và nền kinh tế số…
Với các cam kết trên, hội nghị thượng đỉnh SCO tại Pakistan tiếp tục khẳng định sự đồng thuận cơ bản trong nội bộ, qua đó củng cố vị thế của một tổ chức khu vực có tầm ảnh hưởng sâu rộng tại không gian Á - Âu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, xung đột leo thang ở Ukraine và Trung Đông, căng thẳng trong quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và đồng minh vẫn có xu hướng gia tăng.
Với Pakistan, kể từ khi trở thành thành viên chính thức vào năm 2017, Islamabad đã từng bước tăng cường hội nhập vào nhóm khu vực quan trọng này, nỗ lực cải thiện quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia thành viên, đồng thời đảm bảo ổn định và an ninh trên khắp Á - Âu. Hội nghị thượng đỉnh này mang đến cho Pakistan cơ hội quan trọng để cải thiện vị thế ngoại giao, thể hiện tầm quan trọng trong khu vực cũng như tận dụng các khả năng to lớn về hợp tác kinh tế và liên kết chính trị. Sự kiện nêu bật vị thế ngày càng tăng của Pakistan trong khuôn khổ SCO và định vị nước này là cầu nối giữa Nam và Trung Á.
Đặc biệt, trong quan hệ với Ấn Độ, hội nghị đánh dấu một cột mốc quan trọng vì có sự góp mặt của Ngoại trưởng S Jaishankar. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một quan chức Ấn Độ tới Pakistan sau gần 9 năm. Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Học giả Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington (Mỹ), sự tham dự của Ngoại trưởng Jaishankar "tạo động lực cho mối quan hệ song phương, ngay cả khi chỉ là mối quan hệ gián tiếp", cho thấy quan hệ Ấn Độ - Pakistan cơ bản đã ổn định. Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu Amit Ranjan tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “trong một số trường hợp, những hoạt động như vậy phá vỡ sự bế tắc”.
Chiếm tới 80% diện tích đất liền Á - Âu, 44% dân số toàn cầu và gần 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, SCO hiện được coi là diễn đàn lớn thứ hai thế giới. Các thành viên SCO cùng sở hữu các nguồn tài nguyên toàn cầu đáng kể, bao gồm 25% trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới, 40% trữ lượng than và có cổ phần đáng kể trong ngành công nghiệp dầu mỏ và thực phẩm. Với khoản đầu tư bền vững vào cơ sở hạ tầng, các dự án kết nối và các tổ chức tài chính chuyên ngành, SCO sẵn sàng khai phá nhiều tiềm năng kinh tế hơn nữa trong những năm tới. Tiềm năng thương mại trong SCO là rất lớn, với thương mại song phương giữa các quốc gia thành viên tăng từ 336 tỷ USD vào năm 2019 lên 490 tỷ USD vào năm 2023, mức tăng tăng 1,5 lần. Trung Quốc và Nga thống trị về kinh tế, lần lượt chiếm 64,6% và 26,2% tổng thương mại song phương.
Từ 6 quốc gia thành viên ban đầu (năm 2001) gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, sau hơn hai thập kỷ ngoại giao liên Á - Âu, SCO đã mở rộng ra 10 thành viên chính thức cùng 14 đối tác đối thoại từ châu Á và Trung Đông kèm 3 quan sát viên. Mục đích ban đầu của SCO là giải quyết những vấn đề biên giới, chống ma túy và khủng bố, hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng như cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc trên thế giới, một số cơ chế đa phương và tổ chức hợp tác như BRICS và SCO đang nổi lên như những đối trọng giúp cân bằng các mối quan hệ khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra động lực mới thúc đẩy môi trường an ninh ổn định, tiến tới thịnh vượng về kinh tế. Điều đó lý giải vì sao thời gian gần đây, các tổ chức này liên tiếp được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia khác biệt về tiềm năng quân sự, kinh tế...
SCO không nằm ngoài xu hướng đó. Bằng cách kết hợp những nhân tố chính trên trường thế giới như Ấn Độ, Pakistan và Iran trong thời gian qua, SCO đã tập hợp được nhiều mối quan tâm và quan điểm khác nhau, cho thấy sức hấp dẫn liên tục và thành phần địa chính trị đa dạng, cũng như chiều sâu chiến lược của tổ chức này. Dưới sự lãnh đạo của các cường quốc như Nga và Trung Quốc, tổ chức này tìm cách tái cấu trúc trật tự toàn cầu bằng cách khuyến khích hợp tác kinh tế ngoài tầm kiểm soát của Mỹ. Các sáng kiến như phi USD hóa và ý tưởng về một kiến trúc an ninh Á-Âu mới phản ánh mục tiêu của SCO là thiết lập một thế giới đa cực.
Một số quốc gia, như Afghanistan và Mông Cổ, tham dự với tư cách quan sát viên, trong khi 14 quốc gia khác bao gồm cả các nước Arập có ảnh hưởng lớn như Saudi Arabia và Ai Cập, đã tham gia với tư cách là đối tác đàm phán. Mỗi quốc gia đến với SCO đều có những mục tiêu và tính toán chiến lược riêng. Do vậy, sự mở rộng này có thể này mang đến cho SCO cơ hội tăng cường ảnh hưởng của mình, đồng thời tổ chức này cũng cần giải quyết các chia rẽ nội bộ một cách thận trọng để duy trì sự gắn kết, cùng đóng góp vào các kế hoạch chung: như phát triển kinh tế, năng lượng, chống khủng bố như ban đầu đã đề ra; hướng tới đảm bảo hòa bình, phát triển ổn định ở khu vực Á - Âu.