Trong lúc tạm nghỉ tay tại một bãi đậu xe ngoài trời ở Dubai, người di cư gốc Ai Cập này cho biết mùa hè nóng như thiêu đốt ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) năm nay thậm chí còn nóng hơn.
“Mùa hè năm nay khó khăn hơn một chút so với những năm khác. Từ giữa trưa đến 3h – 3h30 chiều, chúng tôi đơn giản là không thể làm việc nổi”, ông Genedi cho biết. Ông làm rửa xe với mức phí 25 dirham/lần (hơn 160.000 đồng) trong điều kiện nhiệt độ trên 40 độ C mỗi ngày.
UAE là nơi tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc năm nay. Quốc gia này không xa lạ gì với những mùa hè rực lửa.
Trong những tháng hè nóng nực, mọi người có thể chuyển đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn, hoặc ở trong những ngôi nhà, văn phòng và trung tâm mua sắm có điều hòa nhiệt độ.
Đường phố phần lớn vắng vẻ, ngoại trừ những người lao động chân tay được thuê với giá rẻ từ nước ngoài. Họ có quãng thời gian nghỉ bắt buộc vào khung giờ nóng nhất trong ngày.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra khắp Vùng Vịnh. Tại Bahrain, đảo quốc ngoài khơi Saudi Arabia, nhiệt độ tháng 7 năm nay có nguy cơ phá kỷ lục nhiệt độ tối đa trung bình hàng tháng là 42,1 độ C được thiết lập vào năm 2017.
Trong hai năm 2017 và 2020, Bahrain ghi nhận nhiệt độ trung bình là 36,9 độ C vào tháng 7.
Hai tuần trước, hơn 1,8 triệu người Hồi giáo đã “chiến đấu” với cái nắng thiêu đốt trong cuộc hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày ở Saudi Arabia, trong điều kiện nhiệt độ lên tới 48 độ C. Hàng nghìn người đã phải điều trị vì bị sốc nhiệt.
Và ở Kuwait, nơi thường xuyên ghi nhận nhiệt độ cao nhất thế giới, các chuyên gia cảnh báo nhiệt độ có thể vượt ngưỡng 50 độ C trong những tuần tới.
Nơi nhiệt độ cảm nhận là 60 độ C
Thợ rửa xe Issam Genedi nhận xét mùa hè năm nay có vẻ nóng bất thường. Ngoài việc tuần trước được xác định là tuần nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới, một làn sóng độ ẩm cao đã và đang bóp nghẹt Vùng Vịnh.
Tiến sĩ Ahmed Habib tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia của UAE nói với AFP: “Mọi người đang tự hỏi liệu nhiệt độ có cao hơn bình thường hay không. Sự gia tăng độ ẩm tương đối kết hợp với nhiệt độ vốn đã cao, khiến nhiệt độ có vẻ cao hơn thực tế”, ông nói và cho biết thêm rằng nhiệt độ cảm nhận được dao động trong khoảng 55 - 60 độ C ở một số khu vực .
Nhiệt độ cực cao và độ ẩm cao của Vùng Vịnh là một sự kết hợp nguy hiểm vì trong những điều kiện như vậy, cơ thể con người phải vật lộn để tự làm mát bằng cách toát mồ hôi trên da.
Chỉ số này được đo bằng một nhiệt kế bọc trong một miếng vải ướt để tính “nhiệt độ bầu ướt” – mức thấp nhất có thể của quá trình toát mồ hôi làm mát.
Vùng Vịnh là một trong số ít nơi đã nhiều lần đo nhiệt độ bầu ướt trên 35 độ C - ngưỡng giới hạn khả năng sống sót của con người mà vượt qua ngưỡng đó, sốc nhiệt có thể gây tử vong trong vòng vài giờ, bất kể tuổi tác, sức khỏe và thể lực.
Chính vì lý do này mà các chuyên gia cảnh báo biến đổi khí hậu gia tăng sẽ khiến một số khu vực của Vùng Vịnh trở nên không phù hợp để sinh sống vào cuối thế kỷ này.
Tại Kuwait, nhà khí tượng học Issa Ramadan cho biết sự gia tăng nhiệt độ trong năm qua là rất rõ rệt.
“Dự kiến, từ giữa tháng cho đến ngày 20/8, nhiệt độ sẽ tăng đáng kể, có thể lên tới và thậm chí vượt quá 50 độ C trong bóng râm”, ông nói với AFP.
Theo dự báo chính thức, độ ẩm có thể lên tới 90% ở Bahrain vào cuối tuần này, với nhiệt độ tối đa dao động trong khoảng 42 - 44 độ C.
Nỗi nhọc nhằn của người lao động
Theo dự báo của Tiến sĩ Barrak Alahmad tại Trường Y tế Cộng đồng T.H. Chan Harvard và Tiến sĩ Dominic Roye tại Quỹ Nghiên cứu Khí hậu, nhiệt độ Vùng Vịnh sẽ tăng đến mức đột biến nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát,
Tại thủ đô Abu Dhabi của UAE, số ngày có nhiệt độ trên 40 độ C sẽ tăng 98% vào năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C.
Cũng với mức tăng 3 độ C, Kuwait, Bahrain và Saudi Arabia sẽ trải qua 180 ngày với nhiệt độ trên 40 độ C mỗi năm vào cuối thế kỷ này. Những điều kiện yếu tố đó có thể phá vỡ nghiêm trọng cách thức xã hội loài người vận hành.
Nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt đã trở thành thực tế mỗi ngày đối với nhiều người ở vùng Vịnh, đặc biệt là hàng nghìn người lái xe máy giao hàng gần như sống trên đường phố.
“Nghề của chúng tôi là một nghề khó khăn. Chúng tôi luôn cố gắng tránh ánh nắng chói chang của mặt trời”, nhân viên giao hàng Mohammad Rajab đến từ Ai Cập trả lời phỏng vấn trên một con phố vắng tanh ở Dubai.