Hãng Bloomberg dẫn nguồn một số nhân vật giấu tên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tiết lộ rằng chi tiết về thỏa thuận tiềm năng này vẫn đang được soạn thảo song có khả năng bao gồm các quốc gia như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.
Một nguồn tin khác chia sẻ thỏa thuận này có thể đặt ra nền móng tiêu chuẩn cho các nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có các quy tắc về sử dụng dữ liệu, tạo thuận lợi thương mại và các thỏa thuận hải quan điện tử.
Giới quan sát đánh giá thỏa thuận trên phản ánh sự quan tâm của chính quyền ông Biden đối với những cơ hội thương mại mới sau khi dành những tháng đầu tiên tập trung nhiều vào việc thực thi các thỏa thuận đang có hơn là thúc đẩy các cuộc đàm phán với Anh và Kenya, vốn được kế thừa từ chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.
Ý nghĩa quan trọng nhất của kế hoạch này là khẳng định quyết tâm ông Biden nhằm xây dựng một kế hoạch kinh tế cho khu vực mang tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược nhất thế giới, sau khi ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017.
Hiện tại, phía Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vẫn chưa phản hồi câu hỏi của báo chí về vấn đề này.
Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng ủng hộ cho một thỏa thuận như vậy, trong đó có quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler. Bà Cutler nhận xét cơ chế trên có thể dựa trên các thỏa thuận hiện có trong khu vực, ví dụ như Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Mỹ - Nhật Bản, cũng như các thỏa thuận khác đã đạt được giữa các quốc gia trong khu vực như Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Singapore - Australia và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Singapore - New Zealand - Chile.
Trong một bài viết của bà Cutler (hiện cũng là Phó Chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội Châu Á-ASPI) cùng với chuyên gia Joshua Meltzer (một thành viên cấp cao tại Viện Brookings) vào tháng 4/2021 đã đánh giá một hiệp định thương mại kỹ thuật số sẽ đưa Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại ở châu Á, đồng thời coi đó giống như việc gia nhập lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc đàm phán một hiệp định kỹ thuật số, đặc biệt là trong trường hợp không có TPP”.
Theo phân tích của chuyên gia Nigel Cory - Phó Giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái - một trong nhiều thách thức đối với chính sách thương mại hiện đại là tìm ra cách cân bằng các lợi ích cạnh tranh khác nhau trong một thỏa thuận toàn diện về các vấn đề sản xuất, lao động, nông nghiệp, dịch vụ, các quy tắc về môi trường.
“Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, trong khi các thỏa thuận cụ thể về thương mại kỹ thuật số thì có phần đơn giản hơn một chút”, ông Cory nhận định.
Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải hướng đến cam kết “chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm”, do Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đề ra.
Một số quan chức chính quyền đã công khai gợi ý về một thỏa thuận tiềm năng. “Để Mỹ thực sự có hiệu quả ở châu Á, chúng tôi sẽ cần phải làm rõ rằng chúng tôi có một kế hoạch kinh tế, một loạt các cam kết và bạn sẽ thấy những điều đó trong thời gian ngắn tới", ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu Nhà Trắng phụ trách về châu Á, phát biểu trong một sự kiện vào ngày 6/7.
Ông Campbell nói thêm rằng chính quyền đang xem xét “những gì phù hợp trên mặt trận kỹ thuật số” song không giải thích chi tiết.