Trong tuyên bố ngày 30/7, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Đức Tamara Sternberg-Greller cho biết Washington đã chính thức đề nghị Đức tham gia cùng với Pháp và Anh nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz. Tuyên bố nêu rõ các thành viên của Chính phủ Đức đã khẳng định rõ ràng rằng tự do hàng hải cần phải được bảo vệ.
Trước đó, ngày 25/7 vừa qua, Mỹ cho biết nước này đã mời Anh, Pháp, Đức, Australia, Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhiều nước khác, tham gia một liên minh quốc tế để đảm bảo an ninh ở Eo biển Hormuz, nối Vịnh Persia với Vịnh Oman. Mỹ cũng đang phát triển một khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế có tên Chiến dịch Canh gác để đảm bảo an ninh ở Vịnh Persia, Eo biển Hormuz, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Oman sau một loạt vụ tấn công vào các tàu chở dầu tại đây.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức khi đó cho biết quân đội nước này chưa sẵn sàng tham gia kế hoạch tuần tra bảo đảm an ninh hàng hải tại Eo biển Hormuz ở vùng Vịnh do Anh khởi xướng. Theo quan chức trên, vẫn còn quá sớm để nói về khả năng Đức tham gia nhiệm vụ này. Theo quy định của Hiến pháp Đức, việc điều động quân đội Đức hoạt động ở nước ngoài sẽ do Quốc hội Đức quyết định, tương tự như các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Trung Đông và châu Phi, cũng như chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng mà nước này đã tham gia.
Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quản lý. Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.