Chính phủ Mỹ đã một lần nữa khẳng định cam kết đối với chính sách tái cân bằng hướng tới châu Á và tầm quan trọng của việc xây dựng một cấu trúc khu vực đang định hình để góp phần giải quyết các thách thức đặt ra. Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp với các quan chức hàng đầu ASEAN ngày 5/5/2013. Ảnh: Diplomat. |
Đây là nhận định do Phó Trợ lý thường trực Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel đưa ra tại Hội thảo “Cấu trúc khu vực châu Á” vừa qua tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington. Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính.
Trong bài phát biểu, ông Scot Marciel cho biết Tổng thống Barack Obama đã liên tục khẳng định cam kết của Mỹ trong việc can dự mạnh mẽ vào khu vực để thực hiện chiến lược tái cân bằng.
Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư thời gian, công sức và các nguồn lực cần thiết để "can dự hoàn toàn và có hiệu quả" vào khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Ông cho rằng yếu tố quan trọng của việc tái cân bằng là không ngừng củng cố mối quan hệ đồng minh với 5 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Fillippines, can dự sâu với các nước đối tác mới như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển các mối quan hệ đã được định hình rõ hơn như với Singapore, Brunei và New Zealand.
Ông Marciel nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực đông dân thứ ba thế giới và chiếm 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 27% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Vị quan chức này khẳng định Trung Quốc là một đối tác đặc biệt quan trọng của Mỹ và thế giới sẽ được hưởng lợi từ một nước Trung Quốc thịnh vượng, ổn định, thực thi trách nhiệm của một cường quốc đóng vai trò có tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Ông Marciel cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước để xây dựng cấu trúc này.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Trợ lý thường trực Ngoại trưởng Mỹ cho rằng vấn đề này nhiều khả năng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sắp tới. Ngoài ra, ông Marciel nhấn mạnh Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị EAS dự kiến vào tháng 10 tới đã chứng minh tầm quan trọng của khu vực này và một cấu trúc khu vực đang ngày càng tiến triển.
Trong khi tái khẳng định việc Mỹ giữ lập trường không đứng về bên nào trong các đòi hỏi chủ quyền của các bên tranh chấp, ông khẳng định Washington tiếp tục kiên định ủng hộ việc đàm pháp về “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) nhằm thiết lập các quy tắc về ứng xử cho tất cả các bên có liên quan.
Phát biểu với tư cách diễn giả tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường khẳng định EAS đã và đang là diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới để trao đổi về các vấn đề chiến lược đối với khu vực trong đó có vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và phát triển đã được đưa ra trong Tuyên bố Kuala Lumpur 2005, Tuyên bố Hà Nội 2010 về EAS. Đại sứ cho rằng EAS đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các khuôn khổ và quy tắc khu vực hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Đông Á.
Đại sứ nhấn mạnh EAS cần tiếp tục củng cố vai trò này thông qua thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển, an ninh, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc thực thi có hiệu quả “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và hướng tới sớm kết thúc đàm phán để xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trên các diễn đàn khu vực, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hội thảo “Cấu trúc khu vực châu Á” với 3 chủ đề thảo luận gồm: Các vấn đề an ninh tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), các vấn đề kinh tế tại EAS và APEC và triển vọng kinh doanh trong cấu trúc khu vực châu Á.
Khoảng 300 học giả, đại diện chính quyền và doanh nghiệp Mỹ tham dự Hội thảo trong đó có Phó Trợ lý thường trực Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Scot Marciel, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam Á và Đông Nam Á Vikram Singh, Giám đốc phụ trách Nam Á và Đông Nam Á của Bộ Tài chính Mỹ Micheal Kaplan.
Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Phó trợ lý Đại diện thương mại Mỹ Arrow Augerot, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nhóm tư vấn đầu tư chiến lược châu Á Kurt Cambell, các đại diện, học giả hàng đầu của các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, chương trình Kinh tế Chính trị, chương trình Kinh doanh Quốc tế của CSIS.
TTXVN/Tin tức