Phát biểu tại Hội nghị An ninh Đối thoại Manama thường niên được tổ chức ở thủ đô Manama (Bahrain), ông Mattis nêu rõ: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu... về hiệp ước INF và tác động của nó đối với an ninh châu Âu. Rốt cuộc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, rằng chúng ta không từ bỏ việc kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, việc kiểm soát vũ khí cần phải được cụ thể hóa bằng hành động, chứ không phải chỉ trên giấy tờ”.
Hôm 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước INF với Nga, đồng thời đổ lỗi cho Moskva vi phạm thỏa thuận này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận này.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).
Cựu lãnh đạo Liên Xô cũ M.Gorbachev, người tham gia ký INF, đã chỉ trích quyết định của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới, làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân.
Nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan đến INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới. Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/11 tới tại Paris (Pháp).