Theo Bộ Tài chính Mỹ, bước đi trên nằm trong quyết định chính thức hóa một kênh viện trợ nhân đạo của Thụy Sĩ. Kênh viện trợ nhân đạo này đã đi vào hoạt động đầy đủ từ ngày 27/2 vừa qua sau khi được Washington cấp phép, theo đó các doanh nghiệp có thể gửi thực phẩm, thuốc men và những hàng hóa thiết yếu khác tới Iran.
Hồi tuần trước, đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran - ông Brian Hook cho biết có rất công ty thực phẩm và dược phẩm quan tâm tới việc vận dụng Thỏa thuận Thương mại Nhân đạo Thụy Sĩ, văn kiện được bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ đầu năm nay với các lô hàng thuốc.
Thỏa thuận trên đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu và công ty thương mại hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và y tế và trụ sở tại Thụy Sĩ có một kênh thanh toán an toàn với một ngân hàng tại nước này, qua đó đảm bảo việc thanh toán cho hàng xuất khẩu của các công ty này sang Iran.
Thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp nhân đạo khác được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt đối với Iran, sau khi Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận quốc tế ký kết năm 2015 về chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran lại nhằm vào mọi lĩnh vực, từ bán dầu thô cho đến vận chuyển và hoạt động tài chính, theo đó đã cản trở một số ngân hàng nước ngoài hợp tác với nước Cộng hòa Hồi giáo này, trong đó bao gồm cả các thỏa thuận nhân đạo.