Hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra “chuỗi rắc rối” mang tên Snowden, chính quyền Mỹ luôn bị đặt trong tình trạng bị động với những thông tin và tài liệu mà anh này tiết lộ. Đến thời điểm này, sau khi vụ việc Snowden góp phần cắt sâu vào mối quan hệ song phương vốn đã lắm “thương tích” giữa Mỹ và Nga, Mỹ vẫn đang loay hoay “dọn dẹp” những hậu quả mà “người lộ tin mật” gây ra.
Khôi phục niềm tin
Với mục đích “xử lý êm” những bê bối liên quan, đồng thời gia tăng sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan tình báo nước này, ngày 12/8, Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị thành lập Nhóm đánh giá về Tình báo và Công nghệ truyền thông. Nhóm này sẽ có nhiệm vụ quan trọng là đánh giá việc triển khai các hoạt động tình báo trong điều kiện môi trường mới với sự tiến bộ về công nghệ truyền thông. Trong thời hạn 60 ngày, Nhóm sẽ phải báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá sơ bộ cho Tổng thống thông qua Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), và chậm nhất ngày 15/12/2013 phải có báo cáo khuyến nghị chính thức đối với vấn đề liên quan.
Một nhóm thanh niên Brazil đeo mặt nạ để ủng hộ Snowden. |
Việc thành lập Nhóm đánh giá là một trong bốn giải pháp đã được Tổng thống Obama cam kết hôm 9/8 nhằm giải quyết những quan ngại xung quanh chương trình giám sát của chính phủ. Ba giải pháp còn lại bao gồm: Thứ nhất, Tổng thống sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ sửa đổi điều khoản 215 gây tranh cãi của Luật Yêu nước vốn cho phép chính phủ thu thập thông tin điện thoại và các hồ sơ khác của công dân; thứ hai, Tổng thống sẽ tham vấn Quốc hội về việc cải tổ Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài, nơi cho phép các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ được quyền theo dõi công dân Mỹ để thu thập tin tình báo; thứ ba, ông Obama yêu cầu Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình giám sát nhằm khôi phục niềm tin đối với cơ quan này của dân chúng sau vụ Snowden.
Bê bối đối ngoại vẫn lan rộng
Vụ Snowden không chỉ gây tranh luận và chia rẽ ngay trong giới chức và người dân Mỹ về các chương trình do thám bí mật mà chính quyền nước này đang tiến hành, mà còn gây nhiều phiền toái cho công tác đối ngoại của Mỹ.
Đầu tiên là rắc rối với các chính phủ Trung Quốc, Nga, Mỹ Latinh, sau đó đến các quốc gia đồng minh phương Tây. Gần đây nhất, hôm 12/8, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã triệu tập Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Madrid, Luis G. Moreno, để đề nghị làm rõ thông tin liên quan việc Tây Ban Nha là mục tiêu theo dõi gián điệp của NSA.
Trước đó, tạp chí “Der Spiegel” của Đức căn cứ các tài liệu do Edward Snowden phanh phui cho biết một số thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có Tây Ban Nha, là các mục tiêu giám sát ưu tiên của Mỹ. Trong danh sách mật các ưu tiên do thám được NSA lập hồi tháng 4 vừa qua, các nước như Đức, Pháp, Nhật Bản, Italy và Tây Ban Nha nằm ở mức ưu tiên 3 trong hệ thống xếp loại từ 1 đến 5 (mức độ ưu tiên từ cao xuống thấp).
Các mục tiêu được Mỹ quan tâm do thám nhiều nhất là Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Afghanistan.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 12/8, Đức cho biết sẽ cùng Mỹ bắt đầu đàm phán trong tháng 8 về một thỏa thuận không do thám lẫn nhau. Theo các quan chức của Đức, thỏa thuận này sẽ bao trùm cả lĩnh vực do thám kinh tế và hạn chế các hoạt động của NSA như PRISM - chương trình yêu cầu các tập đoàn Internet lớn phải cung cấp chi tiết nội dung trao đổi qua thư điện tử, trò chuyện qua video... của khách hàng.
Lê Hoàng (tổng hợp)