Tổng
thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Washington cần tránh sa lầy vào những
cuộc can thiệp đắt giá và khó khăn của nước ngoài vào Syria, trong bối
cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi sử dụng hành động quân sự tại quốc
gia Trung Đông này do chế độ Damascus được cho là sử dụng vũ khí hóa
học.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 23/8, Tổng thống
Obama khẳng định những cáo buộc rằng các lực lượng Chính phủ Syria đã
tiến hành cuộc tấn công mới bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường là
“hết sức đáng quan ngại”.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những rào cản đối
với hành động quân sự của Mỹ, một năm sau khi cảnh báo rằng việc sử dụng
vũ khí hóa học trong cuộc xung đột ở Syria sẽ vượt qua “giới hạn đỏ”
của Washington.
Nhà lãnh đạo này cảnh báo Mỹ có thể “bị cuốn vào
những cuộc can thiệp đắt giá, khó khăn và tai hại mà trên thực tế chỉ
càng nung nấu sự oán giận trong khu vực”.
Ông nói thêm rằng đã có những
câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không nếu tấn
công một nước khác mà không có sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an LHQ. Hơn
nữa, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Iraq và đưa binh sĩ từ
Afghanistan về nước, Tổng thống Obama lưu ý đến những thiệt hại về người
và của mà Mỹ phải hứng chịu cho hành động quân sự của nước ngoài.
Tình báo Mỹ: Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học Theo các nguồn tin an ninh của Mỹ và
Châu Âu, các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh đã đưa ra đánh giá sơ
bộ rằng các lực lượng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn
công một khu vực gần Damascus trong tuần này và hành động đó có khả năng
nhận được sự chấp thuận ở cấp cao trong chính phủ của Tổng thống Bashar
al-Assad.Một
số tờ báo của Mỹ đã đăng tải những thông tin nêu chi tiết các phương án
quân sự mà Mỹ có thể áp dụng, trong đó có việc tấn công các mục tiêu ở
Syria bằng tên lửa hành trình. Hiện các tướng lĩnh chóp bu Mỹ đang chuẩn
bị những phương án này để ông Obama xem xét.
Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên nói trên cảnh báo rằng đánh giá này chỉ mang tính sơ bộ và trong giai đoạn hiện tại, họ vẫn đang tìm kiếm bằng chứng thuyết phục và có thể phải mất vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn để thu thập chứng cứ.
Ảnh do Kênh Tin tức Shaam của phe đối lập Syria phát cho rằng đây là thi thể các nạn nhân bị chết trong vụ tấn công khí độc ở Ghouta, ngoại ô Damascus ngày 21/8/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các biện pháp phòng
thủ trước nguy cơ xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở dọc biên
giới với Syria. Theo ông Fuat Oktay, một quan chức về quản lý thảm họa
và tình trạng khẩn cấp, khoảng 400 chuyên gia về hóa học, sinh học,
phóng xạ và hạt nhân đã bắt đầu tập dượt thêm ở các tỉnh miền Nam là
Hatay, Kilis, và Sanliurfa nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hóa học từ
Syria.
* LHQ muốn điều tra triệt để
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cùng ngày cho biết LHQ đã gửi một văn bản chính thức đề nghị Chính phủ Syria hợp tác trong cuộc điều tra của LHQ đối với cáo buộc mới nhất về việc sử dụng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 23/8 cho biết ông dự định tiến hành một cuộc điều tra “triệt để, công bằng và ngay lập tức” đối với cáo buộc về cuộc tấn công mới nhất bằng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở Syria.
Một tuyên bố của LHQ cho biết quan chức hàng đầu về giải trừ quân bị của tổ chức toàn cầu này, bà Angela Kane, sẽ đến Damascus vào ngày 24/8 để mở đường cho các thanh sát viên LHQ tiếp cận địa điểm xảy ra vụ tấn công nói trên. Các thanh sát viên này hiện đã ở Syria để điều tra những tuyên bố trước đó về vụ tấn công bằng khí hóa học.
Cũng trong ngày 23/8, đặc phái viên chung của LHQ - Liên đoàn Arập (AL) về Syria Lakhdar Brahimi cho rằng cuộc khủng hoảng Syria là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới, đặc biệt khi xét đến những cáo buộc gần đây liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình LHQ, ông Brahimi nhấn mạnh “vấn đề nằm ở các bên tham chiến, bởi bên nào cũng nghĩ mình có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự”.
TN