Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 14/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 4/7 tuyên bố ông chắc chắn rằng chính phủ mới của Anh sẽ vẫn "tận tâm" với liên minh quân sự này bất chấp việc người dân Anh lựa chọn quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và việc Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau đó.
Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra trong tuần này tại Ba Lan, ông Stoltenberg khẳng định Brexit sẽ thay đổi quan hệ giữa Anh và EU, song không thay đổi vị trí của Anh trong NATO. Theo ông, Thủ tướng Cameron và Chính phủ Anh đã tuyên bố rõ ràng sẽ tiếp tục là một đồng minh "tận tâm" của NATO, do đó chính phủ mới của Anh cũng sẽ tiếp tục đi theo con đường này. Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh Anh là một trụ cột quan trọng đối với an ninh châu Âu và NATO.
Ông Stoltenberg đồng thời cũng cho rằng Brexit sẽ không tác động tới mối quan hệ NATO-EU. Ngược lại, NATO và EU sẽ tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn. NATO hiện có 28 nước thành viên, trong đó có 22 nước cũng đang là thành viên của EU.
* IMF cảnh báo Anh có thể bị tổn thất tới 4,5% GDP vào năm 2019
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa lên tiếng cảnh báo GDP của Anh có thể tổn thất từ 1,5% đến 4,5% vào năm 2019 vì rời khỏi EU, tùy thuộc vào thỏa thuận thương mại mà nước này đạt được.
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn trả lời phỏng vấn của bà Lagarde đăng trên báo "Le Monde" (Pháp) số ra ngày 4/7 nói rằng có "bất ổn thực sự" xung quanh các điều kiện để London đạt được thỏa thuận thương mại với EU sau Brexit. Theo bà Lagarde, một thỏa thuận kiểu Na Uy sẽ là một lựa chọn "có lợi" và "hợp lý về mặt kinh tế" nhưng lựa chọn này sẽ "khó khăn về mặt chính trị bởi Anh vẫn phải tuân thủ các bổn phận của một nước thành viên EU như cho phép di chuyển tự do nhưng lại không có quyền".
Tổng Giám đốc IMF cũng nhận định kịch bản xấu nhất cho Anh sẽ là một nước phi thành viên EU theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong trường hợp đó, GDP của Anh sẽ bị tổn thất từ 1,5% đến 4,5% so với khi nước này vẫn còn ở trong liên minh. Tuy nhiên, bà Lagarde cho rằng hiện vẫn chưa có khung thời gian cho các cuộc thương lượng giữa Anh và EU nên "bất ổn" vẫn là từ khóa trong thời gian tới.
Việc Anh trở thành quốc gia thành viên đầu tiên quyết định rời khỏi EU đã khiến tâm lý lo ngại lan rộng và làm "bốc hơi" hơn 2.000 tỷ USD trên các thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 24/6. Trước khi Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc đi hay ở lại EU, IMF từng cảnh báo kinh tế Anh có thể sẽ suy giảm 0,8% trong năm 2017 nếu rời "mái nhà chung" EU. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, thể chế tài chính này cũng nhận định Brexit sẽ tác động tiêu cực tới hầu hết các nước EU có mối quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi với Anh, trong đó phải kể đến Ireland, Cyprus, Malta, Hà Lan và Bỉ.