NATO sẽ không áp đặt vùng cấm bay tại Libi?

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc ngày 10/3 dự kiến thảo luận “mọi sự lựa chọn” đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi hiện nay.


Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, có ít dấu hiệu cho thấy NATO sẽ thống nhất về việc áp đặt vùng cấm bay ở quốc gia Bắc Phi này.

Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố: “NATO sẽ không xem xét tới việc can thiệp vào Libi nhưng sẽ thảo luận kế hoạch cần thiết nhằm đối phó với tất cả các tình huống có thể xảy ra”. Theo ông Rasmussen, NATO sẽ mở rộng hoạt động giám sát vùng bờ biển Libi thông qua việc duy trì thời gian giám sát không phận Libi 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần.

Sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại hội nghị NATO được cho là sẽ “xoa dịu” bất kỳ ý kiến nào ủng hộ kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại Libi. Ông Gates hồi tuần trước nhấn mạnh việc áp đặt vùng cấm bay ở Libi trước tiên đòi hỏi phải tấn công vào hệ thống phòng không của Libi và hành động này sẽ phát động một cuộc chiến tranh.

Toàn cảnh lễ khai mạc hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 10/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó tại Libi, giao tranh giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Moamer Kadhafi và quân chống chính phủ vẫn diễn ra ác liệt tại thành phố dầu mỏ quan trọng Ras Lanuf và thành phố Zawiyah ở phía tây thủ đô Tripôli ngày 10/3. Các nhân chứng cho biết quân của ông Kadhafi đã tái chiếm trung tâm Zawiyah sau khi sử dụng xe tăng và lính bắn tỉa đẩy quân chống chính phủ khỏi quảng trường chính của thành phố.

Chiến sự giữa hai bên đã làm một kho chứa dầu ở Ras Lanuf bốc cháy. Trước đó, cũng tại Ras Lanuf, đã xảy ra một loạt vụ nổ lớn gần một cơ sở dầu khí, tạo ra những cột lửa cao hàng trăm mét. Phe đối lập tuyên bố lực lượng của ông Kadhafi đã tấn công đường ống dẫn dầu và ném bom và các bồn chứa dầu tại khu vực Ras Lanuf.

Còn Đài Truyền hình Libi lại cáo buộc các phần tử vũ trang được Al Qaeda hậu thuẫn đã cho nổ một bồn chứa dầu trong khi lực lượng ủng hộ chính phủ đang tiến vào Ras Lanuf.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 10/3, Chủ tịch Tập đoàn dầu Quốc gia Libi, ông Shukri Ghanem, cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm 2/3, từ 1,6 triệu thùng/ngày xuống chỉ còn 500.000 thùng/ngày. Ngoài thiệt hại về kinh tế, khủng hoảng chính trị tại Libi, theo các nguồn tin y tế, tính đến thời điểm này đã làm ít nhất 400 người chết và 2.000 người bị thương.

Đài truyền hình Libi cùng ngày đưa tin: Chính quyền nước này đã treo thưởng 500.000 dina (410.000 USD) cho ai bắt được Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thuộc phe đối lập. Người cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ Abdel Jalil sẽ được thưởng 200.000 dina.

Từng là Bộ trưởng Tư pháp, ông Jalil là một trong những quan chức cao cấp đầu tiên trong chính quyền rời bỏ Tổng thống Kadhafi khi nổ ra khủng hoảng chính trị. Ông Jalil đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc gồm 30 thành viên. Hội đồng này đã có cuộc họp chính thức đầu tiên vào ngày 5/3 vừa qua tại thành phố Benghazi, phía đông Libi, hiện do quân nổi dậy kiểm soát.

Trong khi đó, nguồn tin từ giới chức các nước cho biết chính phủ Libi đang có những động thái tiếp xúc với Liên đoàn Arập (AL) và Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh hai khối này chuẩn bị họp bàn về cuộc khủng hoảng tại Libi. Theo tin từ Ai Cập, thiếu tướng Abdul Rahman al-Zawi, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Kadhafi, đã tới thủ đô Cairô (Ai Cập) ngày 10/3.

Mục đích chuyến đi không được công bố và giới chức Ai Cập không bình luận về chuyến đi. Song, theo Ngoại trưởng Italia Franco Frattini, tướng Zawi đem theo thông điệp của ông Kadhafi gửi AL, trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng AL tại Cairô vào cuối tuần này bàn về việc áp đặt vùng cấm bay ở Libi. Ông Frattini cho rằng động thái trên chứng tỏ chính quyền Libi đang xúc tiến tiếp xúc với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, một quan chức AL khẳng định ông Zawi chưa có bất cứ tiếp xúc nào với Tổng thư ký AL, Amr Moussa, và cũng chưa chuyển bất cứ thông điệp gì. Trong khi đó, tờ Ai Cập Ngày nay dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết tướng Zawi mang theo thông điệp của ông Kadhafi đề nghị chính quyền quân sự Ai Cập hỗ trợ chống phe đối lập.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/3, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh “Về những biện pháp thực hiện nghị quyết 1970 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” nhằm cấm xuất khẩu vũ khí cho Libi.

H.H (Tổng hợp)

 Libi: Phương Tây vẫn bất đồng  “vùng cấm bay”
Libi: Phương Tây vẫn bất đồng “vùng cấm bay”

Ngày 9/3, quân đội trung thành với Tổng thống Libi Moamer Kadhafi tiếp tục chiến dịch phản công, mở nhiều đợt không kích mới vào các vị trí của lực lượng chống chính phủ tại thành phố dầu mỏ quan trọng Ras Lanuf và thành phố Zawiyah (cách thủ đô Tripôli 60 km về phía tây).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN