Ngày 9/3, quân đội trung thành với Tổng thống Libi Moamer Kadhafi tiếp tục chiến dịch phản công, mở nhiều đợt không kích mới vào các vị trí của lực lượng chống chính phủ tại thành phố dầu mỏ quan trọng Ras Lanuf và thành phố Zawiyah (cách thủ đô Tripôli 60 km về phía tây).
Một số nhân chứng cho biết, quân đội Libi đã sử dụng xe tăng và máy bay chiến đấu để tấn công Zawiyah nhưng lực lượng nổi dậy vẫn kiểm soát trung tâm thành phố này. Những vụ nã pháo liên tiếp diễn ra sau các cuộc không kích cũng nhằm vào nơi đồn trú của phe đối lập cách Ras Lanuf 13 km về phía tây.
Theo các nguồn tin nước ngoài, lực lượng trung thành với ông Kadhafi dường như đã giành được thế chủ động trong khi phe đối lập đang bị phân tán thành các nhóm nhỏ và đẩy vào sâu trong sa mạc.
Trong khi đó, HĐBA LHQ cùng ngày đã có cuộc họp nhằm thảo luận khả năng áp đặt vùng cấm bay tại Libi, đồng thời cân nhắc các biện pháp kinh tế để cô lập quốc gia Bắc Phi này. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Phó Tổng thư ký LHQ Lynn Pascoe cho biết chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra do các nước thành viên vẫn bất đồng về vấn đề này.
Những ý kiến ủng hộ giải pháp lập vùng cấm bay tại Libi cho rằng, sẽ không có nghị quyết nào được đưa ra cho tới khi mối đe dọa đối với dân thường trong cuộc xung đột tại Libi được xem xét một cách đủ nghiêm túc.
Những người ủng hộ Tổng thống M.Kadhafi tại một cuộc mít tinh ở thủ đô Tripôli. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố trên kênh truyền hình Sky News cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rõ bất cứ quyết định nào nhằm áp đặt một vùng cấm bay ở Libi đều phải do LHQ đưa ra, chứ không phải Mỹ.
Tuyên bố này được cho là khẳng định quan điểm của chính quyền Obama rằng bất kỳ hành động quân sự nào chống Libi đều phải được hợp pháp hóa và có sự phối hợp quốc tế.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho biết, Đại sứ Mỹ tại Libi Gene Cretz và các quan chức khác của Mỹ đã có cuộc gặp tại Cairô (Ai Cập) với một số thành viên phe đối lập Libi.
Ông Crowley từ chối tiết lộ Đại sứ Cretz đã đối thoại với nhân vật nào, song cho biết Oasinhtơn đang liên hệ với các nhân vật đối lập ở trong cũng như ngoài Hội đồng Dân tộc Libi, hiện do cựu Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Abdel Jalil đứng đầu. Theo ông Crowley, cuộc gặp trên nhằm tìm cách “có được hiểu biết lớn hơn và đánh giá về điều sẽ xảy ra”.
Cũng trong ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận về tình hình Libi và nhất trí sẽ phối hợp xúc tiến những giải pháp khả thi đối với Libi, trong đó có giải pháp lập vùng cấm bay.
Các nhà ngoại giao cho biết Anh và Pháp đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết, song chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra. Giới ngoại giao dự đoán Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết trong HĐBA, sẽ phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào Libi.
Tờ Điện tín (Anh) đưa tin, nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền của ông Kadhafi, Anh đang nghiên cứu kế hoạch tịch thu toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ của Libi chuyển cho LHQ kiểm soát, tương tự chương trình đổi dầu lấy lương thực áp dụng với Irắc sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Mục tiêu của kế hoạch này là chặn nguồn cung tài chính của Tripôli. Theo ước tính, hiện nguồn thu từ dầu mỏ của Libi mỗi tuần khoảng 100 triệu USD.
Phản ứng trước tham vọng của các cường quốc phương Tây muốn áp đặt một vùng cấm bay trong không phận Libi, Tổng thống Kadhafi cho rằng việc áp đặt vùng cấm bay sẽ làm bộc lộ ý đồ thật sự của các nước phương Tây là muốn chiếm giữ nguồn dầu mỏ của Libi.
Vì vậy, ông nhấn mạnh, người dân Libi sẽ cầm vũ khí chiến đấu chống lại phương Tây nếu kế hoạch này được thực hiện. Nhà lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này cũng cảnh báo tình trạng bạo loạn sẽ lan rộng trong khu vực nếu mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda kiểm soát được Libi.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình LCI của Pháp, Tổng thống Kadhafi đã cáo buộc các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, đang âm mưu “thực dân hóa” Libi. Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, Tổng thống Kadhafi đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc đối với Bắc Phi và châu Âu nếu phương Tây có bất cứ hành động nào can thiệp vào công việc nội bộ của Libi.
Biểu tình tại Trung Đông và Bắc Phi
Ngày 9/3, các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp diễn tại thủ đô Xana (Yêmen) làm ít nhất 1 người chết và 98 người bị thương. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn cao su nhằm giải tán đám đông. Ngoại trưởng Yêmen Abubakr al-Qirbi nhận định tình trạng hỗn loạn hiện nay xuất phát từ các điều kiện kinh tế yếu kém.
Cùng ngày, tại Côoét, hơn 1.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà chính phủ đòi tiến hành cải cách và đổi mới cách thức lãnh đạo đất nước. Cảnh sát đã được tăng cường bảo đảm an ninh. Cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, không có thông tin về bạo lực.
Trong khi đó, đụng độ giữa hàng nghìn người Hồi giáo và Cơ đốc giáo đã diễn ra tại Ai Cập trong ngày 9/3 làm ít nhất 1 người chết và khoảng 100 người bị thương. Đây là lần thứ hai bùng phát xung đột giữa hai cộng đồng tôn giáo ở nước này. Tòa án Ai Cập đã bác đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Hosni Mubarak và gia đình ông về quyết định phong tỏa tài sản trị giá có thể tới hàng tỷ USD của ông và gia đình. Phán quyết của tòa mở đường cho một cuộc điều tra hình sự và khả năng truy tố ông Mubarak.
Tại Iran, lực lượng an ninh nước này đã bắn hơi cay vào người biểu tình phản đối chính phủ khi họ tìm cách tổ chức một cuộc tuần hành tại thủ đô Têhêran. Cảnh sát Iran đã phong tỏa các ngả đường dẫn tới Quảng trường Cách mạng ở trung tâm thủ đô. Nhà chức trách cũng đã triển khai số lượng lớn nhân viên an ninh tại một vài quảng trường chính ở Têhêran. |
H.H (Tổng hợp)