Nga bác tin đưa tàu chiến tới Xyri

Ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ những thông tin cho rằng Nga đưa tàu chiến, mang theo lính đặc nhiệm chống khủng bố tới Xyri. Mátxcơva cho biết, tàu chở dầu Iman của họ đã tới bờ biển Xyri vì các lý do kỹ thuật và thủy thủ đoàn của tàu được hộ tống bởi các nhân viên an ninh.

Tình hình Xyri đã trở nên "nóng" hơn sau khi hãng ABC News cho biết tàu chở dầu Iman của Nga đã tới cảng Tartus của Xyri mang theo một đơn vị lính thủy đánh bộ. Kênh truyền hình Arập Al-Arabiya cũng dẫn nguồn tin từ lực lượng đối lập tại Xyri nói rằng, các lực lượng đặc biệt của Nga đã đến Tartus. Một số nhà phân tích cho rằng nếu sự hiện diện của lính Nga là nhằm hỗ trợ cho cho chính phủ Xyri chống lực lượng đối lập, động thái này sẽ là "quả bom" gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngày 20/3, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ những thông tin cho rằng Nga đưa tàu chiến, mang theo lính đặc nhiệm chống khủng bố tới Xyri. Mátxcơva cho biết, tàu chở dầu Iman của họ đã tới bờ biển Xyri vì các lý do kỹ thuật và thủy thủ đoàn của tàu được hộ tống bởi các nhân viên an ninh. Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, tàu Iman chở nhiên liệu và thực phẩm phục vụ Hạm đội Biển Đen và Biển Bắc của Nga, những đơn vị đang tham gia hoạt động tuần tra chống hải tặc trên vùng Vịnh Aden.

Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Nikolai Makarov cho biết, Nga không có kế hoạch đưa tàu chiến đến Xyri, trong khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, “những thông tin về việc tàu chiến Nga có mặt tại cảng Tartus của Xyri là hoàn toàn bịa đặt”.

Vũ khí của các nhóm khủng bố tại Xyri bị lực lượng chính phủ thu giữ. Ảnh: internet


Ngày 20/3, Nga cũng cho biết sẵn sàng ủng hộ một tuyên bố cũng như nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) theo đề xuất của đặc phái viên Kofi Annan nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Xyri, nếu như văn bản đó không mang tính chất một tối hậu thư.

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang cân nhắc một tuyên bố đủ mạnh để lên án Tổng thống Xyri, Bashar al-Assad, nhưng cũng không gây phản đối từ Mátxcơva. Ông Lavrov khẳng định, Nga “sẵn sàng ủng hộ sứ mạng của đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arập, Kofi Annan” cũng như “các đề xuất của ông đối với HĐBA, không chỉ dưới dạng tuyên bố mà cả một nghị quyết”. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, các đề xuất mà ông Annan đưa ra đối với Tổng thống Assad trong cuộc gặp tại Đamát vẫn chưa được công bố và cần được thảo luận công khai tại HĐBA. Ngoài ra, HĐBA nên thông qua các đề xuất đó nhưng không phải dưới dạng một tối hậu thư và cần dựa trên nền tảng là những nỗ lực liên tiếp của ông Kofi Annan nhằm đạt được thỏa thuận giữa các phe phái tại Xyri.

Trước đó, hôm 19/3, Mátxcơva đã kêu gọi Đamát thực hiện lệnh ngừng bắn 2 tiếng mỗi ngày theo đề xuất của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh động thái này, đồng thời coi đây là "những bước đi tích cực" của Nga, một đồng minh chủ chốt của Xyri.

Trong khi đó, ngày 19/3, Bộ Ngoại giao Xyri đã gửi thư tới Chủ tịch HĐBA, Tổng thư ký LHQ và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) với nội dung đề cập các vụ tấn công khủng bố tại Đamát và Aleppo. Trong thư, cơ quan này cho rằng, các nhóm khủng bố, được sự hậu thuẫn của các bên quốc tế và khu vực, đã tiến hành vụ tấn công hôm 17/3 làm 27 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Bộ Ngoại giao Xyri khẳng định, việc cung cấp tài chính và vũ khí cho các tổ chức khủng bố là hành động vi phạm trắng trợn các nghị quyết của HĐBA về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng như vi phạm luật pháp quốc tế.

T.H - T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN