Theo hãng tin Reuters, Điện Kremlin ngày 31/7 bày tỏ lo ngại về tình hình ở Niger, nơi có tổng thống bị lật đổ vào tuần trước trong một cuộc đảo chính bị nhiều nước lên án nhưng lại được người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, nhóm có nhiều lợi ích ở châu Phi, hoan nghênh.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "những gì đang xảy ra ở Niger là một vấn đề đáng lo ngại".
"Chúng tôi ủng hộ việc nhanh chóng khôi phục luật pháp trong nước, chúng tôi ủng hộ sự kiềm chế từ tất cả các bên để điều này không dẫn đến thương vong về người", ông Peskov nói.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, người cũng là đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về Trung Đông và Syria, nói với hãng thông tấn TASS rằng Moskva không liên quan đến tình hình cuộc đảo chính ở Niger.
"Điều này không liên quan gì đến Nga. Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Thật không may, đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra ở châu Phi và tôi lo ngại rằng nó sẽ không phải là lần cuối cùng. Đó là những quá trình nội tại, cho thấy rằng trong những năm gần đây, tình hình kinh tế xã hội ở nhiều nước châu Phi khác xa với lý tưởng. Chúng tôi sẽ theo dõi diễn biến", ông Bogdanov nêu rõ.
Những người đứng đầu cuộc đảo chính ở Niger đã tuyên bố Tướng Abdourahamane Tiani là nguyên thủ quốc gia mới vào cuối tuần trước, vài ngày sau khi thông báo họ đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum trong cuộc tiếp quản quân sự lần thứ 7 ở quốc gia Tây và Trung Phi trong vòng chưa đầy 3 năm.
Các quốc gia Tây Phi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và đe dọa dùng vũ lực nếu những người lãnh đạo cuộc đảo chính không khôi phục chức vụ cho ông Bazoum trong vòng một tuần.
Trong một tin nhắn được công bố vào tuần trước trên các kênh truyền thông xã hội có liên quan đến tập đoàn Wagner, người sáng lập tổ chức này Yevgeny Prigozhin đã tỏ ra tán thành cuộc đảo chính và đề nghị các thành viên Wagner phục vụ cho chính quyền quân sự.
Ông Prigozhin không tuyên bố có liên quan đến cuộc đảo chính, nhưng mô tả đó là khoảnh khắc giải phóng "giai đoạn đã quá hạn từ lâu khỏi thực dân phương Tây".
Hiện lực lượng Wagner vẫn có ảnh hưởng ở châu Phi, đặc biệt là ở nước láng giềng Mali của Niger kể từ cuộc đảo chính năm 2021, trong khi họ cũng có sự hiện diện lâu dài hơn ở CH Trung Phi và Libya. Vai trò của Wagner ở châu Phi là một mối lo ngại đối với các chính phủ phương Tây. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Wagner.