Điều đáng chú ý là kể từ năm 2011, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev luôn là nhân vật nhận trách nhiệm tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Do vậy, việc Tổng thống Putin lần đầu tiên đích thân tới Singapore để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á trong năm nay là điều đáng chú ý.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Điện Kremlin trên thực tế luôn quan tâm tới sự trỗi dậy của châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 25 năm qua. Dù Nga vẫn coi châu Âu là đối tác kinh tế và chính trị chính trong thời kỳ hậu Xô Viết, song mọi thứ đã thay đổi sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Nga.
Các chính trị gia Nga và doanh nhân quốc gia này hiện đều coi Đông Á nói chung là “đối tượng” để đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tránh chỉ tập trung riêng vào mỗi châu Âu, và đặc biệt ở thời điểm kinh tế Nga đang hứng chịu nhiều tác động do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hãng thông tấn TASS trong tháng 10 đã đưa tin Nga đang muốn bán máy bay dân sự và trực thăng quân sự cho Indonesia. Nga đồng thời còn ký thỏa thuận với Philippines để mở rộng cửa cho vũ khí Nga xâm nhập thị trường nước này.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng duy trì quan hệ an ninh gắn kết với Ấn Độ và Trung Quốc. Chiến thuật của Nga khá đơn giản: duy trì mối quan hệ quốc phòng nồng ấm với tất cả các bên.
Quốc phòng là một trong hai mặt trận quan trọng mà Nga muốn thúc đẩy tại khu vực này. Mặt trận còn lại là năng lượng. Xuất khẩu năng lượng của Nga tới ASEAN đã tăng 5 lần kể từ năm 2013. Tập đoàn năng lượng Nga Rosatom còn từng trao đổi với Indonesia và Philippines để xây dựng các nhà máy hạt nhân.
Chuyến thăm chính thức Singapore và dự Hội nghị Thượng đỉnh EAS lần này của Tổng thống Putin được coi là dịp để Moskva tái khẳng định quan điểm chính sách ngoại giao của Nga với khu vực, đồng thời là cơ hội thúc đẩy quan hệ giữa Nga và ASEAN nói chung, với các nước thành viên ASEAN nói riêng.