Cũng theo thông báo, với 183 ca tử vong mới trong một ngày qua, tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Nga hiện là 6.715 ca. Ngoài ra, đã có thêm 8.220 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 269.370.
Thủ đô Moskva là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trên cả nước do đại dịch COVID-19 khi ghi nhận tới 1.714 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 202.935.
Tính đến ngày 11/6, đã có khoảng 322.000 người được đưa vào diện giám sát y tế, trong khi 14,2 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đã được thực hiện trên cả nước.
* Cũng trong ngày 12/6, Armenia đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này gia tăng khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Rustam Badasyan tuyên bố kéo dài thời hạn áp đặt tình trạng khẩn cấp tới ngày 13/7.
Armenia bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 16/3. Tuần trước, bất chấp số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng, chính phủ nước này vẫn hủy bỏ các kế hoạch nhằm tái áp đặt các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ hồi đầu tháng Năm vừa qua. Tính đến nay, quốc gia khoảng 3 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 15.281 ca mắc COVID-19, trong đó có 258 ca tử vong.
* Cùng ngày, Viện Nghiên cứu Robert Koch (RKI) thông báo số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Đức tiếp tục duy trì dưới mức trung bình của tuần qua và nước này chỉ ghi nhận thêm 258 ca bệnh mới trong 24 giờ qua.
Theo RKI, số ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Đức cũng đã giảm và hiện ở mức 14.050, trong khi ước tính số bệnh nhân phục hồi trong một ngày qua đã tăng khoảng 400, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên mức 171.600. Ngoài ra, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 8.763 sau khi có thêm 8 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc bệnh ở Đức là 4,7%.
Đầu tuần này, Đức đã tăng đáng kể hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bất kể người dân có biểu hiện triệu chứng của bệnh hay không.
*Ngày 12/6, Uỷ viên phụ trách vấn đề y tế của Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides, cho rằng cuộc khủng hoảng y tế công cộng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra ở "Lục địa Già" vẫn chưa lắng dịu. Nữ quan chức EU đã kêu gọi các nước cần duy trì cảnh giác cao độ và đẩy mạnh thực hiện các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và truy dấu nguồn bệnh.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng y tế EU, bà Kyriakides nhấn mạnh: "Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn cần cảnh giác."
Do tình hình dịch bệnh đã có dấu hiệu cải thiện, nhiều nước châu Âu đã dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và nối lại một số hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, đã xuất hiện những lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai do gia tăng các ca nhiễm mới.