Ông Ryabkov được dẫn lời phát biểu trong cuộc họp với các nhà lập pháp Nga cho biết: "WHO không nên trở thành đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu khác ngoài mục tiêu xây dựng sự hợp tác quốc tế hiệu quả nhất chống lại đại dịch". Theo ông Ryabkov, Nga phản đối việc chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và ủng hộ việc tìm ra các phương thức cho phép tiến tới một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề liên quan đến đại dịch, củng cố vai trò của WHO và ngăn chặn tổ chức này suy yếu. Tuy nhiên, ông cho rằng "thật đáng tiếc, những điều này không nằm trong các ưu tiên của Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất của nước này".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, dọa sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này và xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trừ phi WHO tiến hành "những cải thiện đáng kể" trong vòng 30 ngày.
Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố tổ chức đa phương này sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch COVID-19.
Ông Ghebreyesus cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua, trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.