Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố lệnh trừng phạt của Mỹ là "trái phép", vi phạm mọi qui định và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định Washington và các đồng minh đang âm mưu chiếm đoạt tài sản của Venezuela.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Mỹ áp đặt trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela đang làm xói mòn niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với đồng USD.
Ông Lavrov tuyên bố Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính quyền hợp pháp tại quốc gia Nam Mỹ này, cũng như bảo vệ các lợi ích trong quan hệ hợp tác Nga-Venezuela phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov cảnh báo những hậu quả cực kỳ tiêu cực nếu xảy ra hành động can thiệp nước ngoài vào tình hình Venezuela.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 29/1 tuyên bố Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả của việc áp đặt trừng phạt công ty dầu khí PDVSA của Venezuela.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh Trung Quốc phải đối mọi biện pháp trừng phạt đơn phương, chờ rằng sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của một quốc gia “sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp”.
Sáng cùng ngày, hãng tin Tân Hoa (Trung Quốc) và RT (Nga) dẫn phát biểu trước báo giới của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton xác nhận Washington đã liệt công ty Petroleos de Venezuela, S.A (PDVSA) vào danh sách trừng phạt.
Đây được coi là động thái mới nhất của Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro.
Trong một tuyên bố ra cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá PDVSA là “nguồn thu nhập và nguồn ngoại tệ chính yếu của Venezuela”, đồng thời khẳng định đòn trừng phạt này có thể giúp “ngăn chặn tài sản của Venezuela thất thoát hơn nữa”.
Theo lệnh trừng phạt trên, mọi tài sản và lợi ích của PDVSA trong phạm vi quyền tài phán của Mỹ sẽ bị phong tỏa, công dân Mỹ không được phép thực hiện các giao dịch với PDVSA.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức, theo đó các khoản thanh toán của mọi giao dịch mua bán dầu nào với PDVSA sẽ được chuyển vào các tài khoản đã bị phong tỏa để phục vụ cho các hoạt động của cái gọi là chính phủ của “tổng thống lâm thời” Juan Guaido. Bộ trưởng Mnuchin khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ kinh tế và ngoại giao để ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Guaido.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tuyên bố sẽ nắm quyền kiểm soát đối với tài sản của Venezuela tại nước ngoài. Cùng với đó, ông Guaido cũng cho biết bắt đầu tiến trình bổ nhiệm ban lãnh đạo mới của tập đoàn dầu khí PDVSA và chi nhánh của công ty này tại Mỹ là Citgo nhằm khôi phục ngành công nghiệp then chốt này trong thời gian tới. “Chính phủ lâm thời” sẽ đề xuất lên Quốc hội các biện pháp cần thiết để bảo đảm sự minh bạch và kiểm soát việc sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton kêu gọi giới quân sự Venezuela chấp nhận một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cho thủ lĩnh đối lập Guaido, người đã tự phong làm “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này hôm 23/1.
Tuy nhiên, ngày 27/1 quân đội Venezuela tuyên bố trung thành với cuộc Cách mạng Bolivar và Hiến pháp khi Tổng thống Nicolas Maduro tới thị sát một căn cứ quân sự ở thành phố Valencia thuộc bang Carabobo, miền Bắc nước này.
Truyền hình Venezuela và hãng thông tấn AVN đã phát hình ảnh Tổng thống Maduro cùng Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino thăm Pháo đài Paramacay ở thành phố Valencia. Tại đây, nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela chứng kiến một cuộc tập trận, động thái cho thấy sự ủng hộ của lực lượng vũ trang đối với nhà lãnh đạo Venezuela trong bối cảnh chính trường diễn biến phức tạp.
Phát biểu với các binh sĩ, Tổng thống Maduro nêu rõ Venezuela đang mong đợi cuộc tập trận quan trọng nhất trong lịch sử nước này, dự kiến diễn ra từ 10-15/2 tới. Theo ông, đây là dịp lực lượng vũ trang Venezuela thể hiện sức mạnh của mình với khả năng phòng thủ, chiến đấu và tác chiến.
Đáp lại, đại diện lực lượng binh sĩ tại Pháo đài Paramacay khẳng định sẽ trung thành với tiến trình Cách mạng Bolivar, Hiến pháp và cam kết bảo vệ đất nước.
Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập đồng thời là Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Juan Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử ở nước này.
Một số nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận chức danh "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido.
Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ dân cử của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino đã khẳng định các lực lượng vũ trang nước này không công nhận một tổng thống tự phong hay một tổng thống "được dựng lên bởi những lợi ích đen tối".
Trong khi đó, hãng thông tấn AVN của Venezuela dẫn kết quả cuộc khảo sát của hãng Hinterlaces cho thấy 84% số người được hỏi nhất trí của giải pháp đối thoại giữa chính phủ Tổng thống Maduro với phe đối lập nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước. 81% ý kiến của người dân Venezuela phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chống lại nước này, trong khi đó chỉ có 17% ủng hộ các chính sách của Washington. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 86% số người được hỏi phản đối sự can dự quân sự vào tình hình chính trị nước này.