Ông Yannis Stournaras cảnh báo hệ thống chính trị của Hy Lạp không nên hoạt động theo cơ chế "thói quen" cũ, từng là nguyên nhân đẩy nước này rơi vào cuộc khủng hoảng. Trong tuyên bố ngày 21/8, ông Yannis Stournaras khẳng định: "Sau 8 năm khủng hoảng và phải cầu viện 3 gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 330 tỷ USD, Hy Lạp mới thoát khỏi giai đoạn bất ổn kéo dài nhất trong lịch sử và đang trên đà phục hồi".
Ngân hàng trên dự báo với tình hình tài chính cải thiện đáng kể và lần đầu trong năm 2017 đã đạt thặng dư vượt mức 4% GDP, tăng trưởng GDP của Hy Lạp có thể đạt 2% và 2,3% lần lượt trong năm 2018 và 2019.
Thâm hụt tài khoản vãng lai, từng ở mức cao 15% GDP trong năm 2008, cũng được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp đang giảm, thu thuế được cải thiện đáng kể, các ngân hàng đều cơ cấu vốn và phát triển ổn định, thị trường lao động và sản xuất được tự do hóa.
Tuy nhiên, hiện Hy Lạp vẫn đối mặt với những thách thức kinh tế lớn như: nợ công vẫn rất cao (178% GDP), tình trạng nợ xấu chưa giảm được triệt để, thuế cao làm nản lòng các nhà đầu tư, vốn đang phải đối mặt với nạn quan liêu và sự thay đổi liên tục những quy định và khung pháp lý tại quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này.
Ngoài ra, ông Yannis Stournaras nhấn mạnh ngoài nỗ lực cổ phần hóa và tự do hóa khu vực năng lượng, khu vực công cần được cải thiện nhiều hơn nữa.