Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) ngày càng lo ngại về nguy cơ bảo mật thông tin cá nhân của người dùng TikTok.
Người phát ngôn của EP nêu rõ lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 20/3, áp dụng đối với các thiết bị như điện thoại di động và máy tính bảng cài đặt phần mềm quản lý của cơ quan này. Bên cạnh đó, EP cũng khuyến nghị các nghị sỹ và nhân viên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cá nhân. Tuần trước, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng ban hành quy định tương tự đối với nhân viên của hai cơ quan này.
Phản ứng trước động thái trên, đại diện của TikTok khẳng định lệnh cấm đã căn cứ vào cách hiểu sai cơ bản, đồng thời nhấn mạnh ứng dụng này đang được 125 triệu công dân EU sử dụng.
Cùng ngày, Quốc hội Đan Mạch thông báo cơ quan này đã yêu cầu các nghị sĩ và tất cả nhân viên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị di động do cơ quan này cung cấp. Đại diện cơ quan này cho biết quyết định này được đưa ra sau khi Trung tâm An ninh mạng Đan Mạch khuyến nghị các nhân viên và quan chức chính phủ gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên điện thoại do nguy cơ an ninh.
Trước đó, Mỹ và Canada đã yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên toàn bộ các thiết bị chính phủ quản lý. Năm 2021, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm hoạt động đối với TikTok cùng gần 60 ứng dụng di động khác của Trung Quốc.
Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên, TikTok cũng vấp phải các cáo buộc liên quan đến lan truyền thông tin xấu độc, tin giả, các nội dung khiêu dâm hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.