Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Gargash khẳng định Riyadh và các đồng minh Arab sẽ khôi phục mọi quan hệ - vốn đã bị cắt đứt từ năm 2017 - với Doha, trong đó bao gồm các hoạt động hàng không, vận chuyển và thương mại. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ các vấn đề khác như khôi phục toàn bộ quan hệ ngoại giao sẽ cần nhiều thời gian do còn nhiều khác biệt cần giải quyết, trong đó bao gồm các vấn đề địa chính trị như tình hình Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm Hồi giáo như tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Ngoại trưởng Gargash cho biết: "Một số vấn đề có thể hàn gắn dễ dàng hơn nhưng một số vấn đề khác lại cần nhiều thời gian hơn. Chúng tôi có khởi đầu rất tốt... nhưng chúng tôi vẫn cần xây dựng lại lòng tin".
Trước đó, vào tháng 6/2017, Saudi Arabia đã đứng đầu một liên minh - gồm cả các nước Ai Cập, UAE và Bahrain - cắt đứt quan hệ ngoại giao và liên kết vận tải với Qatar. Riyadh cáo buộc Doha hậu thuẫn các nhóm Hồi giáo cực đoan - điều mà Doha kiên quyết phủ nhận. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 5/1 vừa qua, các nước nói trên đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar theo một thỏa thuận hòa giải do Mỹ và Kuwait làm trung gian.
Theo một nguồn thạo tin, tuy thỏa thuận hướng tới "đoàn kết và ổn định" trong khu vực đã được ký kết, nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang được xúc tiến nhằm đảm bảo các bên thực hiện đúng lộ trình.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman cho biết Doha đã nhất trí đình chỉ các vụ việc pháp lý liên quan đến việc nước này bị tẩy chay và hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố và "an ninh xuyên quốc gia". Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ thỏa thuận trên sẽ không tác động tới mối quan hệ giữa Qatar với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.