Hãng tin TASS của Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Armenia ngày 5/4 tuyên bố thông tin trên. Theo AFP, thông tin này cũng được Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận.
Các em nhỏ bị thương trong cuộc giao tranh tại khu vực Nagorny Karabakh được chữa trị tại bệnh viện ở Stepanakert. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đó, thỏa thuận ngừng bắn này sẽ có hiệu lực từ 12 giờ địa phương (tương đương 15 giờ Hà Nội). Chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn trên hiện đang được thảo luận. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận hoạt động quân sự đã tạm dừng từ 12 giờ địa phương.
Cùng ngày, hãng tin AFP dẫn nguồn cơ quan quốc phòng của Cộng hòa Nagorny Karabakh tự xưng cho biết vùng lãnh thổ này và Azerbaijan đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 4 ngày giao tranh dữ dội tại đây.
Trong khi đó, Nhóm Minsk dự kiến sẽ có cuộc họp khẩn cấp trong ngày 5/4 nhằm tìm cách chấm dứt xung đột tại Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết các đồng chủ tịch Nhóm Minsk sẽ tới khu vực này vào cuối ngày 5/4 và sẽ tiến hành đối thoại với lãnh đạo Armenia và Azerbaijan nhằm thúc đẩy các bên khôi phục lệnh ngừng bắn ở Nagorny Karabakh.
Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải chạy lánh nạn.
Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra. Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự.