Đài Sputnik dẫn lời ông Vladimir Guschin: “Những ai đã tiêm cả hai liều vaccine này giảm rủi ro mắc COVID-19 thể trung bình hoặc nặng tới 14 lần nếu họ nhiễm virus. Trong trường hợp này, những ai tiêm vaccine Sputnik V không truyền virus và nhờ đó không gây nguy hiểm cho người khác”.
Trước đó, ngày 24/5, Quĩ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) đã công bố kết quả một công trình nghiên cứu kết hợp với trường Đại học Cordoba của Argentina, theo đó khẳng định vaccine Sputnik V có hiệu quả cao đối với biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở thành phố Manaos của Brazil và đã lây lan ra một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Thông báo của RDIF cho biết công trình nghiên cứu được Viện Nghiên cứu José María Vanella thuộc trường Đại học Cordoba thực hiện đã xác nhận hiệu quả của Sputnik V đáp ứng miễn dịch cao đối với những người được tiêm chủng vaccine này. Ssau ngày thứ 14 được tiêm mũi vaccine Sputnik V đầu tiên, khoảng 85,5% nhóm tình nguyện viên thử nghiệm đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 và đến ngày thư 42 sau khi được tiêm mũi vaccine thứ hai thì có tới 99,65% số tình nguyện viên có kháng thể trên.
Trưởng khoa Y học của trường Đại học Cordoba, Tiến sỹ Rogelio Pizzi cho biết Sputnik V có phản ứng rất tốt trong tổng số kháng thể kháng S (Immunoglobulin IgG anti S), nhưng nó cũng có một phản ứng đặc biệt trong việc vô hiệu hóa các kháng thể, và đó là những gì cần để ức chế virus. Nhóm nghiên cứu cũng đã tái tạo và phát triển biến thể của virus phát hiện tại Manaos dễ lây lan hơn 70% so với ban đầu - và kết quả nghiên cứu được thực hiện với Sputnik V cho thấy loại vaccine này ức chế sự phát triển.
Ngày 22/5, Đại sứ Ấn Độ tại Nga DB Venkatesh Varma cho biết Ấn Độ sẽ bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V vào tháng 8 tới, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể sản lượng vaccine ngừa COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Đến tháng 9-10, Ấn Độ sẽ sản xuất được 850 triệu liều vaccine này. Như vậy, Ấn Độ sẽ sản xuất khoảng 65-70% vaccine Sputnik V sản xuất trên toàn thế giới. Nga sẽ xuất khẩu vaccine này tới các nơi khác trên thế giới khi nhu cầu tại Ấn Độ được đáp ứng.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận vaccine Sputnik V an toàn và đạt hiệu quả trong phòng ngừa bệnh COVID-19. Ông Guterres nhấn mạnh vai trò "then chốt" của vaccine Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ông cũng cho biết nhiều nhân viên LHQ đã được tiêm vaccine này.
Các chuyên gia kỹ thuật của WHO và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang tiến hành vòng đánh giá tiếp theo về vaccine Sputnik V của Nga, từ ngày 10/5 đến tuần đầu của tháng 6. Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vaccine Sputnik V vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp.
Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Vaccine này được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở 66 quốc gia có tổng dân số trên 3,2 tỷ người. Hiệu quả của vaccine là 97,6% dựa theo phân tích dữ liệu mới nhất từ 3,8 triệu người Nga đã tiêm chủng.