Thủ tướng Haider al-Abadi kêu gọi người biểu tình rời khỏi tòa quốc hội và bảo vệ tài sản công. Ông tuyên bố "bảo đảm với toàn dân rằng tình hình tại Baghdad nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng an ninh", đồng thời kêu gọi người biểu tình giải tán hòa bình.
Người biểu tình tràn vào khu vực "Vùng Xanh" để phản đối Quốc hội. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Tổng thống Fuad Masoum kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, tuân thủ luật pháp và kiềm chế, đồng thời không gây hại tới các nghị sĩ và nhân viên, không phá hoại tài sản công và tư nhân. Tổng thống cũng yêu cầu Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo các nhóm trong cơ quan lập pháp sớm thông qua cải tổ nội các và thực thi cải cách chống tham nhũng. Theo Tổng thống, cần chấm dứt ngay hệ thống hạn ngạch trong chính phủ, vốn được áp dụng từ sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, theo đó các nguồn lực và quyền kiểm soát được chia đều cho các đảng phái chính trị đại diện cho các phe phái và sắc tộc khác nhau tại Iraq.
Theo kế hoạch, ngày 30/4, Thủ tướng Abadi phải trình quốc hội thông qua danh sách nội các cải tổ, nhưng phiên họp đã bị hoãn lại đến tuần sau do không hội tụ đủ số nghị sĩ cần thiết theo luật định để tiến hành bỏ phiếu. Hàng nghìn người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi'ite Moqtada al-Sadr đã kéo đổ các hàng rào thép gai tại Vùng Xanh, phá hủy một số ôtô, tràn vào tòa nhà quốc hội và yêu cầu các nghị sĩ rời quốc hội. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Bạo lực không leo thang. Người biểu tình sau đó rời trụ sở quốc hội và bắt đầu biểu tình ngồi tại quảng trường Ihtifalat trong "Vùng Xanh".
Vụ việc trên xảy ra vài phút sau khi giáo sĩ Moqtada al-Sadr có bài phát biểu trên truyền hình tại thành phố Najaf, thánh địa của người Hồi giáo dòng Shi'ite, trong đó chỉ trích bế tắc chính trị tại Iraq. Giáo sĩ này khẳng định những người ủng hộ ông "sẽ không tham gia bất cứ tiến trình chính trị nào áp dụng hệ thống hạn ngạch". Hồi tháng 3 vừa qua, giáo sĩ Sadr đã tổ chức một cuộc biểu tình ngồi hai tuần tại "Vùng Xanh", nhằm kêu gọi thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị. Cuộc biểu tình này đã dừng sau khi Thủ tướng Abadi trình danh sách nội các lên Quốc hội.
Đến ngày 31/3, Quốc hội đã bác danh sách này khiến Thủ tướng Abadi phải thay thế hầu hết các ứng viên bằng những cái tên do các phe nhóm chính trị đưa ra. Điều này đã gây ra tranh cãi gay gắt trong Quốc hội, khiến việc bỏ phiếu về cải tổ nội các phải hoãn đến ba lần và Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi cùng hai cấp phó của ông bị bỏ phiếu bãi nhiệm ngày 14/4. Tuy nhiên, động thái này đã bị các khối nghị sĩ khác bãi bỏ với lý do phiên họp không hợp hiến vì không đáp ứng tỉ lệ nghị sĩ dự họp theo quy định.
Những biện pháp cải cách bất thành làm tê liệt quốc hội và chính phủ Iraq trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đã chiếm giữ một phần rộng lớn diện tích phía Bắc và Tây Iraq. Nước này cũng đang phải nỗ lực đối phó với khủng hoảng kinh tế do giá dầu thế giới sụt giảm mạnh.