Nhật Bản: Khoảng 10.000 người có thể đã chết tại Minamisanriku

Vài ngày sau trận động đất kinh hoàng mà Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan miêu tả là "một thảm họa quốc gia chưa từng xảy ra", người dân Nhật Bản vẫn còn bàng hoàng, thậm chí chưa thể tin nổi thảm họa vừa giáng xuống đầu họ.


Trong lúc đó, chính quyền Nhật Bản vừa phải triển khai công tác cứu nạn, cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay vừa phải căng mình xử lý hậu quả vụ nổ nhà máy điện hạt nhân do động đất.

Nỗ lực chặn thảm họa hạt nhân

Sau vụ nổ tại lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 13/3, chính quyền Nhật Bản nỗ lực ngăn chặn một thảm họa tương tự tại lò phản ứng số 3 của nhà máy điện này. Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) - đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima - đã bắt đầu dùng nước biển và axit boric để làm mát lò phản ứng số 1 để thanh nhiên liệu không bị tan chảy. Họ cũng thực hiện tương tự với lò số 3 để ngăn chặn một vụ nổ tiếp theo.

Khói bao trùm khu vực cảng Tagajo ở tỉnh Miyagi sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bị nổ ngày 12/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yukio Edano, cho biết, tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 của nhà máy có khả năng bị nổ cao, nhưng sẽ không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người.

Một số chuyên gia nhận định rằng việc dùng nước biển làm mát chứng tỏ Nhật Bản đã "tuyệt vọng" và không còn lựa chọn nào khác do điện, ống nước, bơm đã bị phá hủy trong vụ nổ tòa nhà chứa lò số 1. Một quan chức cho rằng nước biển sẽ khiến lò phản ứng không thể dùng được nữa. Có khả năng, nước biển sẽ tồn tại trong đó vài tháng trời.

Hơn 170.000 người đã được sơ tán để đề phòng nguy cơ nhiễm phóng xạ dù ông Edano cho biết, lượng phóng xạ giải phóng vào môi trường là nhỏ và chưa đến mức độ gây nguy hiểm cho con người.


Có đến 160 người, trong đó có 60 bệnh nhân và nhân viên y tế chờ sơ tán ở thành phố gần đó, có thể đã bị phơi nhiễm phóng xạ và đã được đưa vào bệnh viện. Mức độ phơi nhiễm hiện chưa rõ.


Tại một trung tâm sơ tán ở Koriyama, cách các lò phản ứng hạt nhân 60 km, các nhân viên y tế đã tiến hành kiểm tra khoảng 1.500 người để xem họ có bị phơi nhiễm phóng xạ hay không.

Ngày 13/3/2011, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật Bản 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần gây ra.

Cũng trong ngày 13/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân thứ hai Onagawa do lượng phóng xạ ở đây vượt quá mức bình thường. Theo IAEA, tình trạng khẩn cấp này được ban bố do "hậu quả chỉ số phóng xạ vượt quá mức cho phép trong khu vực quanh nhà máy. Nhà chức trách Nhật Bản đang điều tra nguồn phát ra phóng xạ". IAEA cho biết thêm hiện ba lò phản ứng tại nhà máy Onagawa vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Nhật Bản đã đặt lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima và 4 lò phản ứng khác quanh đó vào tình trạng khẩn cấp hôm 12/3 sau khi hệ thống làm mát không hoạt động được.


Nhật Bản có tổng cộng 55 lò phản ứng hạt nhân nằm rải rác ở 17 khu phức hợp trên toàn quốc, trong đó có tới 11 lò phản ứng tại các khu vực bị tác động nặng nề nhất đã phải đóng cửa sau trận động đất trên. Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Banri Kaieda nói rằng các khu vực phía đông và đông bắc Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng "bất thường" do thiếu nguồn cung cấp điện.

Hàng ngàn người thiệt mạng

Đài NHK và nhiều hãng tin khác đều dẫn lời cảnh sát trưởng quận Miyagi, ông Naoto Takeuchi, cho rằng, số người chết sau thảm họa động đất và sóng thần chỉ riêng ở Miyagi chắc chắn sẽ vượt quá con số 10.000. Trong khi đó, Cơ quan cảnh sát quốc gia đến ngày 13/3 chính thức xác nhận gần 1.200 người chết, 642 người mất tích và 1.570 người bị thương.

Binh sỹ Nhật Bản thu dọn thi thể người xấu số tại thành phố Higashimatsushima ngày 13/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, theo thông tin của đài NHK, khoảng 10.000 người (một nửa dân số) ở thành phố cảng Minamisanriku đã bị mất tích. Chính quyền quận Fukushima cũng chưa thể liên lạc được với 1.167 người dân, trong đó có 918 người ở thành phố Namie.


Trong cuộc họp báo ngày 13/3, Cơ quan khí tượng Nhật Bản thông báo trong vòng 3 ngày tới, xác suất xảy ra dư chấn động đất mạnh cấp 7 là 70% và từ ngày 16 đến 19/3 là 50%. Cơ quan này dự đoán động đất có thể đi kèm với sóng thần và kêu gọi người dân hết sức cảnh giác, chuẩn bị đối phó.

Một chiếc xe ô tô bị sóng thần hất lên nóc một tòa nhà ở tỉnh Miyagi. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã triển khai gấp đôi số binh lính, lên 100.000 quân (40% lực lượng vũ trang của nước này) đến các khu vực bị ảnh hưởng để giải quyết hậu quả thảm họa trận động đất đã được xác nhận là 9 độ Richter.


Dọc bờ biển, thay vì làng mạc, thành phố, giờ người ta chỉ nhìn thấy bùn và rác rưởi. Các đội cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người mất tích dọc theo hàng trăm km đường bờ biển. Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa nhận định rằng thực tế rất khó khăn vì có quá nhiều người vẫn bị cô lập và chờ hỗ trợ.

Khoảng 310.000 người đã được sơ tán tới trung tâm khẩn cấp. Ít nhất 1,4 triệu ngôi nhà đã mất nước từ sau trận động đất, khoảng 2,5 triệu ngôi nhà mất điện. Ước tính, hàng triệu người sẽ phải tiếp tục sống trong cảnh thiếu đồ ăn thức uống khi nhân viên cứu hộ chưa thể tiếp cận được họ.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết chính phủ sẽ sử dụng nguồn quỹ khẩn cấp trị giá 200 tỷ yên (khoảng 2,44 tỷ USD) trong tài khóa 2010 để chi cho công tác cứu hộ, thay vì phải soạn thảo ngân sách bổ sung theo đề nghị của một số nghị sĩ đối lập. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ngày 13/3 đã cấp khoản tiền mặt trị giá 55 tỷ yên cho 13 thể chế tài chính tại các khu vực thiên tai.

Cộng đồng quốc tế hướng tới Nhật Bản

Các nước tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản dưới nhiều hình thức để giải quyết cuộc khủng hoảng được Thủ tướng Naoto Kan đánh giá là tồi tệ nhất Nhật Bản từ Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Trực thăng đang cẩu hàng viện trợ từ tàu USS Blue Ridge thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tới Nhật Bản. AFP/TTXVN


Mỹ đã đưa tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đến Nhật Bản để hỗ trợ công tác cứu trợ. Tàu sân bay này mang theo 3.200 thủy thủ đoàn, 85 máy bay cùng 3.200 phi công và các nhân viên khác. Ngoài ra, Mỹ cũng cử các đội tìm kiếm cứu nạn tới Nhật Bản.

Ôxtrâylia đã cử các chuyên gia hạt nhân tới hỗ trợ Nhật Bản xử lý nguy cơ do nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ấn Độ đã phái chuyến máy bay đầu tiên chở chăn tới cho người dân ở Sendai và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi động đất. Chính quyền tỉnh Haryana và Punjab ở Ấn Độ cũng hỗ trợ chăn len cùng hàng cứu trợ cho những người Nhật Bản mất nhà cửa sau động đất.

Trong khi đó, một đội cứu hộ Trung Quốc ngày 13/3 đã tới Nhật Bản cùng 4 tấn thiết bị, dụng cụ tìm kiếm, cứu nạn cũng như thiết bị viễn thông và điện. Hội chữ thập đỏ nước này đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp hơn 152.000 USD cho Nhật Bản.

Chính phủ Nga cho biết, Nhật Bản đã đề nghị Nga hỗ trợ thêm năng lượng trong bối cảnh nước này đang phải gồng mình để đối phó với tình trạng thiếu điện sau thảm họa động đất và sóng thần xảy ra hôm 11/3 vừa qua.


Tại cuộc họp đặc biệt bàn về hậu quả trận động đất mạnh ở Nhật Bản, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói Mátxcơva nên làm mọi thứ để giúp đỡ đất nước láng giềng. Trước đó, Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng Igor Sechin nói Nhật Bản đã đề nghị tập đoàn khí đốt Gazprom hỗ trợ thêm khí tự nhiên hóa lỏng cho nước này.

Kinh tế lãnh hậu quả

Dù phải mất nhiều thời gian nữa mới đánh giá được mức độ thiệt hại của trận động đất lịch sử ở Nhật Bản, nhưng theo nhận định của chính phủ Nhật Bản cũng như nhiều chuyên gia, thảm họa sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với nhiều hoạt động của nền kinh tế và đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Thiệt hại ngay trước mắt đó là các ngành nghề dọc bờ biển đông bắc - khu vực chiếm 8% GDP Nhật Bản. Các nhà sản xuất ô tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đã phải ngừng hoạt động. Hãng sản xuất ô tô Toyota, Nissan và Honda đã thông báo ngừng sản xuất đến ngày 14/3. Hãng Sony cũng đóng cửa nhiều nhà máy. Mitsubishi thông báo sẽ ngừng sản xuất tại cả ba nhà máy đến 15/3.

Ngoài ra, trận động đất còn làm gián đoạn chuỗi cung cấp trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất chip điện tử, thiết bị bán dẫn… do nhiều cảng biển quan trọng đã bị đóng cửa, hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa đó là việc Nhật Bản sẽ phải gánh thêm nợ nần sau trận động đất do sẽ phải lo kinh phí tái thiết, xây dựng lại cơ sở vật chất bị phá hoại. Xét nhiều yếu tố trên, ông Wolfgang Leim, một chuyên gia tại Commerzbank, dự báo kinh tế Nhật Bản có thể sẽ giảm nhẹ trong quý đầu năm 2011.

Trước tình hình nghiêm trọng đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thông báo một cuộc họp bàn chính sách để tìm biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế nước này vốn đã suy yếu và nợ nần nhiều.

Thùy Dương
(tổng hợp)

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhóm họp khẩn cấp
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhóm họp khẩn cấp

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đưa tin, sáng 13/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình người Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN