Đó là khẳng định được Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra ngày 3/8 tại một cuộc họp báo.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura, quan chức phụ trách công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhật Bản, cho rằng vấn đề này cần được giải quyết cẩn thận, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc tiếp xúc giữa những người trở về quê và những người cao tuổi - nhóm người nguy cơ cao bị nặng khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, ông Suga cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Nishimura chỉ đơn thuần là gửi đi thông điệp chính phủ sẽ lắng nghe các ý kiến của giới chuyên gia về vấn đề này và nguy cơ mắc bệnh có thể được giảm thiểu nếu người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch như đeo khẩu trang và rửa tay.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh chính phủ nước này đang rất nỗ lực để vừa có thể tái mở cửa nền kinh tế vừa khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.
Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 39.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 712 người mắc bệnh trên du thuyền Diamond Princess, được cách ly ở Yokohama tháng 2 vừa qua. Kể từ ngày 29/7, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản mỗi ngày tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Tokyo là khu vực dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tháng 7 vừa qua, thành phố này ghi nhận tói 6.466 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong một tháng từ trước tới nay.
Ngày 3/8, Tokyo ghi nhận thêm 258 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ hai số ca mắc COVID-19 tại Tokyo giảm từ mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 1/8.
Nhằm khống chế dịch bệnh, chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu các quán karaoke và các quán bar đóng cửa vào 22h từ ngày 3/8 đến hết tháng 8. Chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch hỗ trợ mỗi doanh nghiệp 200.000 yen (1.900 USD) để tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch. Cảnh báo dịch bệnh được nâng lên mức cao nhất, trong khi Thị trưởng Yuriko Koike cảnh báo có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp.