Nhật Bản phát hiện 14 điểm rò rỉ nước ở Fukushima I

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết vừa phát hiện 14 điểm rò rỉ nước tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I. Theo TEPCO, các điểm rò rỉ này dường như đã xuất hiện vào ngày 29/1, sau khi nước bị đóng băng do nhiệt độ môi trường bên ngoài xuống âm 8 độ C làm vỡ các đường ống dẫn nước vào hệ thống làm mát cho bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4. Khoảng 40 lít nước ở bể lò 4 đã rò rỉ ra ngoài, song rất may là nước rò rỉ chứa hàm lượng chất phóng xạ không đáng kể.

Sự cố này đã làm hệ thống làm mát của bể chứa nhiên liệu ngừng hoạt động trong 100 phút. Tuy nhiên, nhiệt độ của bể chứa vẫn không thay đổi, luôn ở mức 21 độ C. Viện An toàn Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (NISA) đã cho lắp đặt thiết bị kiểm tra rò rỉ và tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời.



Một bức ảnh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ trực thăng. Nguồn: vnexpress.net


Cùng ngày, Bộ trưởng xử lý sự cố hạt nhân Gôsi Hôxônô (Goshi Hosono) cho biết hai tuần sau khi sự cố hạt nhân Fukushima I xảy ra hồi tháng 3/2011, một số nghị sĩ, trong đó có Thủ tướng khi đó là ông Naôtô Can (Naoto Kan), đã tính đến "kịch bản tồi tệ nhất" về tiến triển khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima I nhưng không loan báo rộng do lo ngại có thể gây hoang mang trong dân chúng. Kịch bản này do Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEC) Sunxưkê Cônđô (Shunsuke Kondo) xây dựng ngày 25/3/2011. Theo đó, lò phản ứng số 1 ở nhà máy Fukushima I sẽ phát nổ và bể chứa thanh nhiên liệu lò số 4 cạn nước hoàn toàn, làm thoát thêm nhiều chất phóng xạ vào môi trường. Thủ tướng Can đã lệnh cho Chủ tịch JAEC Cônđô soạn thảo kịch bản này. Tuy nhiên, ngay cả Ủy ban An toàn Hạt nhân (NSC) cũng không được thông báo về sự việc này do tính nhạy cảm của nó. Ông Hôxônô cho rằng kịch bản trên nếu được công khai vào thời điểm đó có thể sẽ không có ai ở lại thủ đô Tôkiô.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ hợp tác với Viện Khoa học Phóng xạ Quốc gia tiến hành dự án nghiên cứu tổng thể về ảnh hưởng của tình trạng phơi nhiễm phóng xạ đối với các loài động vật và thực vật hoang dã xung quanh nhà máy Fukushima I.

Theo kế hoạch, các nhà khoa học Nhật Bản sẽ đo nồng độ chất phóng xạ xêdi (caesium) ở các loài động vật và thực vật hoang dã tại 25 khu vực ở cả trên đất liền và trên biển. Để so sánh tác động của sự phơi nhiễm phóng xạ đối với các động thực vật hoang dã, họ sẽ tiến hành đo đạc ở cả những khu vực có nồng độ phóng xạ cao và những khu vực có nồng độ phóng xạ thấp hơn.

Các loài thực vật sẽ được nghiên cứu bao gồm thông đỏ và cỏ sâu róm, trong khi các loài động vật sẽ được nghiên cứu gồm chuột, ếch và trai. Ủy ban Bảo vệ Phóng xạ Quốc tế, một tổ chức chuyên xử lý các ảnh hưởng của sự phơi nhiễm phóng xạ, đã chỉ định nghiên cứu ở những loài động thực vật này.

Cho đến nay, các nhà khoa học Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành thu thập một số mẫu động thực vật. Họ sẽ xem xét sự phơi nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I đã ảnh hưởng như thế nào tới hình dáng bên ngoài, các nhiễm sắc thể và chức năng tái sinh của các loài động thực vật này. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sẽ xem xét cả những ảnh hưởng của thời tiết và các nhân tố khác tới sự tăng trưởng của động thực vật hoang dã. Bộ Môi trường Nhật Bản dự định sẽ soạn thảo báo cáo sơ bộ về vấn đề này trước tháng 3/2013.


TTXVN/Tin Tức

Nhật cần 40 năm giải quyết sự cố Fukushima
Nhật cần 40 năm giải quyết sự cố Fukushima

Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vừa công bố lộ trình mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, theo đó họ sẽ cố gắng phá hủy 4 lò phản ứng gặp sự cố tại nhà máy này trong vòng 30 đến 40 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN