Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 13/4 cho biết Tokyo “không nhận được lời đề nghị tham gia AUKUS” từ các bên liên quan. Ông Matsuno cho rằng thông tin mà tờ Sankei Shimbun của nước này đưa trước đó là không đúng sự thật.
Tờ Sankei Shimbun ngày 12/4 cho biết Mỹ, Anh và Australia đã đề nghị Nhật Bản tham gia vào AUKUS. Theo Sankei, ba đồng minh AUKUS muốn “kết hợp khả năng công nghệ của Nhật Bản” để phát triển vũ khí siêu vượt âm và tăng cường năng lực tác chiến điện tử. AUKUS cũng ky vọng vào tiềm lực của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử.
Tờ Sankei cũng cho biết Tokyo có phản hồi “tích cực” về đề nghị trên, nhưng cho biết Nhật Bản có kế hoạch đánh giá cẩn trọng những tác động, hệ quả từ việc tham gia vào liên minh.
Tuần trước, các thành viên AUKUS thông báo sẽ cùng hợp tác phát triển vũ khí siêu vượt âm và vũ khí “phản siêu vượt âm”. Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định này. “Nhật Bản ủng hộ hành động của AUKUS nhằm đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an ninh và quốc phòng và coi đây là việc làm có ý nghĩa. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác dưới nhiều hình thức với các đối tác quan trọng, bao gồm Mỹ, Australia và Anh để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”, ông Matsuno nói.
AUKUS chính thức ra đời ngày 16/9/2021. Vào thời điểm đó, lãnh đạo ba nước Mỹ, Anh, Australia tuyên bố sẽ tập hợp nguồn lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và khả năng tấn công tầm xa. Mỹ và Anh cũng đồng ý chia sẻ công nghệ để đóng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Hải quân Hoàng gia Australia.