Kế hoạch tổng thể về phòng chống COVID-19 của Nhật Bản tập trung các biện pháp chính sách cho 4 lĩnh vực là tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đảm bảo thuốc điều trị và khôi phục cuộc sống thường nhật. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 5 vào mùa Hè vừa qua, với sự lây lan mạnh của biến thể Delta, Nhật Bản có thời điểm ghi nhận tới 28.000 người có nhu cầu nhập viện điều trị.
Trong kế hoạch mới, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đảm bảo được 37.000 giường bệnh, gấp 3 lần so với nhu cầu tại thời điểm đỉnh dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng quy định chế độ liên lạc với những người bệnh được điều trị tại nhà kể từ ngày xác định dương tính, công bố số liệu về giường điều trị COVID-19 hàng ngày và áp dụng chế độ hạn chế điều trị thông thường trong trường hợp xuất hiện nguy cơ khủng hoảng y tế.
Về việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng liều tăng cường (mũi thứ 3) cho nhân viên y tế kể từ tháng 12 tới và người lao động từ tháng 3/2022.
Việc tiêm chủng vaccine đối với trẻ em dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiến hành khi cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép tiêm chủng cho nhóm đối tượng này. Hiện nay, hãng dược Pfizer đang đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cấp phép tiêm chủng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Về thuốc điều trị COVID-19, Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ tối đa 20 triệu yen (175.039 USD) cho mỗi dự án phát triển thuốc điều trị. Mục tiêu của chính phủ nước này là phát triển thành công thuốc điều trị COVID-19 trong năm nay, đảm bảo được 1,6 triệu liều điều trị, trong đó riêng trong năm 2021 có thể cung ứng được 600.000 liều cho các cơ sở y tế.
Để khôi phục lại cuộc sống thường nhật, Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine, chuyển đổi chứng nhận sang hình thức kỹ thuật số, tiến hành xét nghiệm miễn phí cho các đối tượng có triệu chứng bệnh trong trường hợp dịch lây lan rộng. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho những đối sách mang tính lâu dài, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ xem xét sửa đổi các bộ luật có liên quan nhằm trao quyền cho chính phủ, địa phương có thể ra chỉ thị, các yêu cầu nhằm nhanh chóng đảm bảo giường bệnh, nguồn nhân lực y tế.
Trong khi đó, nhằm khôi phục ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong 2 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng tái khởi động chương trình “GoTo Travel” vào đầu năm sau. Điều quan trọng nhất hiện nay của việc tái khởi động là phải đảm bảo chương trình này không tiếp tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Do đó, các cơ quan chức năng của Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ xu hướng diễn biến của dịch bệnh trong thời điểm cuối năm cũng như các điều kiện cần thiết khác như tốc độ tiêm chủng vaccine và khả năng đảm bảo thuốc điều trị dạng uống.
“GoTo Travel” là một kế hoạch kích cầu du lịch nội địa quy mô lớn, có sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhằm khôi phục ngành dịch vụ, du lịch của nước này trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. “GoTo Travel” được khởi động từ tháng 7/2020, tuy nhiên đã buộc phải tạm dừng vô thời hạn vào tháng 12 cùng năm khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và kéo dài cho đến nay.
Theo thống kê của cơ quan quản lý ngành du lịch Nhật Bản, trong giai đoạn từ tháng 4-9 năm nay, đã có thêm 16 doanh nghiệp du lịch nước này tuyên bố phá sản, với khoản nợ trên 10 triệu yen (khoảng 90.000 USD), trong đó có tới 15 doanh nghiệp phá sản vì chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19, chiếm 93,7%.
*Chính phủ Nepal ngày 11/11 khuyến khích những hộ gia đình đủ điều kiện nộp đơn xin trợ cấp trong khuôn khổ chương trình cứu trợ cho các hộ gia đình nghèo chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được công bố trước đó.
Theo kế hoạch cứu trợ được đưa vào ngân sách năm tài chính 2021-2022 bắt đầu từ giữa tháng 7, Chính phủ Nepal sẽ hỗ trợ một lần mỗi hộ gia đình đủ điều kiện 10.000 rupee Nepal (84 USD). Đây là lần đầu tiên Nepal triển khai chương trình cứu trợ như vậy kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại quốc gia Nam Á này vào đầu năm 2020. Tổng cộng có 500.000 hộ gia đình sẽ được hưởng chương trình trợ cấp này của chính phủ trị giá 5 tỷ rupee Nepal.
Theo thông báo của Bộ Tài chính trước đó, những người thất nghiệp sau khi bị mất việc làm do dịch bệnh, những người làm công ăn lương hàng ngày, những người làm nông nghiệp, những gia đình bị mất người lao động chính duy nhất... có thể nộp đơn xin trợ cấp lên chính quyền khu vực trong vòng 15 ngày. Một khi đơn xin được chấp nhận, chính quyền địa phương sẽ chuyển tiền trợ cấp vào tài khoản của người được nhận. Theo số liệu của Ủy ban Kế hoạch quốc gia, hơn 700.000 người tại Nepal đã bị mất việc làm trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 đầu tiên ở nước này.