Theo nghiên cứu, một tỷ lệ nhỏ các tán lá ở tầng trên tại các rừng nhiệt đới đã ở mức quá cao, tới 47 độ C, do đó không thực hiện được chức năng quang hợp. Các nhà khoa học cho biết mặc dù hiện tại một số tán lá ở ngưỡng nhiệt độ cao như vậy chỉ khoảng 0,01% thời gian, song điều này có thể nhanh chóng chuyển biến tiêu cực hơn do lá cây hấp thụ nhiệt nóng lên nhanh hơn không khí.
Nhà khoa học Christopher Doughty thuộc Đại học Northern Arizona - đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nếu nhiệt độ không khí tăng thêm 2 hoặc 3 độ C, thì nhiệt độ thực của lá cây ở tầng trên có thể tăng 8 độ C. Theo ông Doughty, trong kịch bản tồi tệ nhất khi nhiệt độ bề mặt trung bình của rừng nhiệt đới tăng thêm 4 độ C so với mức hiện tại thì có khả năng toàn bộ lá cây sẽ chết khô.
Nghiên cứu mới cho rằng tình trạng lá cây chết có thể trở thành một yếu tố mới dự báo "đỉnh điểm" - khi các khu rừng nhiệt đới dần biến mất do tác động của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng. Cũng theo nghiên cứu, các tán lá cây có thể chết hàng loạt chỉ trong vòng hơn 1 thế kỷ nữa nếu nhiệt độ không khí tăng 0,03 độ C mỗi năm không kiềm chế được.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hiện chưa biết chắc nhiệt độ lá cây tăng cao ảnh hưởng đến mức nào đối với cả khu rừng, toàn bộ lá chết có thể không nhất thiết là cây chết. Bên cạnh đó, nhiệt độ tới hạn của lá các loại cây cũng không giống nhau và còn phụ thuộc vào độ dày của lá và độ rộng của tán cây.
Tuy nhiên, thực trạng các khu rừng nhiệt đới hiện nay cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại. Cụ thể, những khu rừng có nhiệt độ cao hơn trung bình, như rừng Amazon, có tỷ lệ cây chết khô cao hơn trong những thập kỷ gần nhất. Ngoài ra, nạn phá rừng khiến mật độ cây thưa hơn cũng góp phần khiến nhiệt độ tại đây tăng cao hơn.
Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học hối thúc nỗ lực chung bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ vệ tinh ECOSTRESS của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đo bức xạ nhiệt hệ sinh thái, kết hợp với các quan sát thực địa dựa trên cảm biến gắn trên lá cây.
Quần thể thực vật nhiệt đới chiếm đến 45% diện tích rừng trên Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), quần thể thực vật nhiệt đới còn đóng góp tối thiểu 50% đa dạng sinh học thực vật của thế giới, với ít nhất 40.000 loài cây khác nhau.